Bóng Mờ Đáy Cốc

BÓNG MỜ ĐÁY CỐC
Đào Quang Vinh

Tôi cầm tấm hình của bạn bè trên tay mà gợi nhớ một thời, nhắc tới thủa mới ra trường. Cái lon cấp bực đơn độc một hoa mai vàng bóng loáng và những khuôn mặt trẻ như nhìn thấy rõ tương lai sáng lạn trên đường binh nghiệp. Tấm ảnh nay đã cũ, loang màu thời gian, vàng ố mà nơi mép góc, làn nhăn như được vuốt lại, thẳng thắn nhưng gượng gạo. Hàng chữ đề phía dưới tấm ảnh, nhòe nhạt, thật chua xót như những cái gai nhọn châm vào da thịt, “năm thằng trong hình bây giờ còn lại chỉ mình tao”. Bạn tôi đó, chúng nó ra đi sớm quá. Hai mươi mấy tuổi đầu chưa hết nợ sách đèn nói chi đến lạc thú ở đời. Chiến tranh tàn khốc quá, đã nướng trọn cả gần một thế hệ. Những thằng may mắn còn lại, giờ đây thành những ông cụ non chưa đủ tuổi để lãnh tiền già, mân mê mấy vết sẹo trên thân thể như những huy chương vàng bằng thịt, đã bị thiêu đốt do lửa đạn chiến tranh. Bạn tôi đấy sống lây lất qua ngày, rải rác khắp năm châu bốn biển. Mỗi năm vài tên mệt mỏi gục gã giữa đường, bạn bè ngớ ngẩn tiếc thương cạn khô giòng lệ. Thời gian vẫn bay và tuổi hồng biến mất. Họ còn lại những gì trong quãng đường vừa đi qua. Những tỳ vết được mệnh danh là kỷ niệm dù đậm đà hay đắng cay đều là ký ức, đánh dấu một quãng thời gian, không gian nào đó trong quá khứ. Nó là dĩ vãng, một phần của đời người. Dù vui hay buồn, bất cứ hoàn cảnh nào thì họ vẫn cố gắng sống cho hết một kiếp người. Cho trọn một đời làm trai, hiến thân mình cho một đất nước quá đau thương và rách nát vì chiến tranh thuộc tầm vóc quốc tế.

Cũng có lúc tôi chạnh lòng nhớ lại những tháng ngày đã mất mà thấy lòng day dứt, luyến tiếc. Tuy cùng một ngôi trường mẹ sinh ra_Võ Bị Đàlạt_ nhưng tôi như một đứa trẻ lạc giòng. Ra trường dự vài trận đánh cho vui với đời. Rồi chuyển binh chủng, về làm kiếp chim, lấy mây trời làm niềm vui thường nhật, bay đi khắp nơi. Thỉnh thoảng, may mắn, gặp lại bạn đồng khóa, tay bắt mặt mừng cho phút giây tao ngộ, niềm vui ùa tới thật nhanh nhưng cũng tan thật chóng. Rồi mỗi đứa lại một nơi, trở về đơn vị ôm niềm vui ngắn ngủi, mong manh.

Bây giờ gần hết một đời người, dĩ vãng xếp hàng trở về mỗi khi mân mê tờ bản tin của khóa trên tay. Tin buồn tin vui, buồn vì bạn mình vừa ra đi, vui vì thấy thế hệ con cháu đã trưởng thành, đã đủ lông đủ cánh bay nhảy trên khắp vùng trời tươi mát của trái đất nhỏ bé này. Còn mình với tuổi đời, trầm ngâm, lặng yên, lạc lõng quay về với những ngày tháng đã qua để trung thành với tất cả những gì mình thích và yêu thương. Tôi thích những kỷ niệm đã có với các bạn cùng khóa dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi nào đó, tuy nó nhẹ như cơn gió thoảng qua, nhưng dễ làm lòng mình rung động để rồi nhớ thương mãi mãi. Dĩ vãng có chợt về thì cũng mỏng như bóng mây. Vì ngoài kia, người đời vẫn còn miệt mài so đọ hơn thua, trọng những phù phiếm, những danh thơm hão huyền. Gần nửa đời người phục vụ cho lý tưởng quê hương, bỗng chốc như gió cuốn mây bay, trôi đi tất cả. Niềm hãnh diện còn lại chỉ là những kỷ niệm theo năm tháng ẩn hiện mơ hồ, dập dình như bóng mờ đáy cốc…

Bạn ngồi đó, yên lặng nhé rồi tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì tôi có. Tuy không mượt mà hay khắc khổ bằng quãng đường chính bạn đã đi qua. Thôi thế nào cũng được, tôi không so sánh để hơn thua vì nói chung ra chúng mình đều là nạn nhân của thời cuộc, của chiến tranh điêu tàn. Bao nhiêu tên đã bỏ mạng xa trường, còn bao nhiêu tên khác nữa đã phải mang tật nguyền suốt đời. Còn bạn và tôi nếu không sứt mẻ gì thì có phải là chúng ta đã may mắn không? Chưa chắc đâu bạn ơi, hãy nghĩ lại đi. Hãy thử xét lại xem tâm hồn mình bây giờ có còn được minh mẫn, thoải mái và trong sáng như xưa không? Hay những vết tích của thời chiến trận đã làm con người mình thay đổi. Những nét vô tư thủa ấy bây giờ đã chuyển qua bằng sự hay giận hờn. Lúc nào trong người cũng như đang chất chứa một cái gì như căn bệnh trầm kha. Thôi chẳng nên nói dông dài thêm nữa và sẽ nói về tôi. Cái tôi đáng ghét mà người đời vẫn thường nói như thế. Nhưng cái tôi ở đây bao gồm nhiều người quá. Vì anh em chúng tôi đều là một, những người lính chiến chính hiệu con nai vàng, dân hiện dịch xuất thân từ cùng một trường Võ Bị, cùng một khóa. Tôi phải thay chữ “chúng tôi” cho đúng nghĩa. Vậy thì nếu cái tôi là cái đáng ghét thì bây giờ nó sẽ to lớn hơn bạn nghĩ rất nhiều. Nay tôi chỉ nói một phần thôi…một thằng của chúng tôi

Được chuyển sang Không Quân, sau những ngày luyện tập nhào lộn căn bản cực khổ tại Hoa kỳ, tôi về nước làm Hoa Tiêu phụ cho loại tầu Darkota(C47) phi đoàn Hỏa Long chuyên bay đêm, căn cứ đóng ở Tân Sơn Nhất. Chúng tôi có nhiệm vụ là cứ thay phiên nhau để mỗi đêm biệt phái ba phi vụ túc trực thả hỏa châu soi sáng hoặc bắn đêm yểm trợ cho đơn vị bạn. Sân bay túc trực lúc thì ở Bình Thủy Cần Thơ, lúc thì sang Cam bốt. Thường thường tôi bay xuất đầu, xong rồi dông thẳng về Saigon. Tôi là phi công phụ, ít giờ bay nên chưa có quyền chọn lựa phi vụ, nhưng được một cái những ông “cù lủ” trưởng tầu chọn tôi, vì thế tôi thường được hưởng ơn mưa móc bay sớm nghỉ sớm. Tôi chẳng tài cán gì hơn ai, chỉ được một cái là bay cẩn thận, người ta chọn tôi vì thế. Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Ba tiếng đồng hồ bay vòng vòng trên vùng đã ấn định, được phân công rất… đều. Trưởng phi cơ bay một giờ đầu, hai giờ sau của phi công phụ. Một giờ đầu thì quá sớm cho giấc ngủ trên không, cho nên tôi cùng thức với trưởng phi cơ cho có bạn. Trong giờ này ông vặn nhạc lên nghe rồi nổi hứng, ông gõ nhịp hát theo (hồi ấy chưa có Karaôkê). Ở trên cao, trời về khuya lạnh lẽo đã khổ nhưng còn chịu được, nay lại phải nghe giọng hát của người đồng hành. Thế mới biết “ôi phi công (phụ) danh tiếng muôn đời”. Chịu đựng cho hết giờ và đợi cho tới phiên mình bay. Công việc của phi công phụ là phải trực tần số hành quân, theo dõi xem đồn bóp nào gọi cầu cứu là đến đánh ké cho vui. Đến lượt mình bay thì ông trưởng tầu không hát nữa, ông chuyển sang phần hòa nhạc, lim dim đôi mắt, ông soạn những khúc tấu thật trầm và đều đặn, ông tự sướng, vương vãi …”gáy”, coi trời bằng vung. Thỉnh thoảng ông cựa mình đổi sang thế nằm mới, rồi lại tiếp tục cho ra đời một đoản khúc khác. Không biết các ông trưởng tầu thai nghén nhạc từ lúc nào mà bây giờ ông…phóng uế bừa bãi và rất tự nhiên. Bay trên cao năm ngàn bộ thôi mà sao trời lạnh đến thế. Cái lạnh của đêm cộng với cái cô đơn thức để bay một mình. Trong phòng lái, đoàn viên thì ngủ gà ngủ gật. Chỉ có mấy người áp tải viên phía sau, trong lòng tàu, là được ngủ thoải mái hơn trên những chiếc ghế dài bằng vải nylông đỏ. Trên cần điều khiển, cò súng ở bên cần lái trưởng tầu. Hoa tiêu phụ bay dài dạc cả giờ đồng hồ khi được lệnh đi đánh, bay nhẹ đến “Target”. Ông trưởng tầu lúc ấy mới thức dậy, vươn vai, ngáp một cái dài thoải mái xong rồi mới xông vào vòng chiến. Ông ra lệnh tắt hết đèn trần, đèn ngoài, đèn trong rồi đeo găng tay, sửa soạn lại cần điều chỉnh “Power”. Ông cắt hết “Throttle” và đâm đầu xuống. Ông đang tập thành phi công khu trục chỉ có thằng pilốt phụ là khổ, sướng chẳng được bao nhiêu bây giờ mang thân tháp tùng tử. Có tiếng gọi từ phía sau của một ông trung sĩ già, giọng khàn khàn, tuổi bằng bố ông Pilốt phía trước, vang lên trong máy truyền tin. “Dzăng mẹ nó mấy thùng đạn rồi ông ơ.. ơi!…”. Ông trưởng tầu kéo nhẹ cần lái lên và đẩy tay gas về phía trước. Im lặng một hồi chỉ thấy tiếng người phi công phụ trả lời người phía sau giọng thật lạc lõng “Nghe năm…”. Âm thanh đơn độc rớt vào lòng tầu tối mù. Rồi tầu bỗng nghiêng về bên trái, ôm vòng theo hướng mục tiêu. Ông sửa soạn bắn phá. Cử chỉ của ông thật vụng về, hấp tấp như gà mái mắc đẻ. Mấy khẩu súng nơi cánh cửa bắt đầu làm việc, tiếng vỏ đạn thi nhau rớt xuống sàn tầu như những hạt mưa xa gõ đều trên mái tôn của cơn mưa nặng hạt trong một đêm mưa gió bão bùng. Tôi ngồi ở bên này cách ông_ ở khoảng giữa_ bằng những tay gas và cần điều hợp. Những thứ này vô tình tạo thành làn ranh phân chia quyền lực. Tuy chỉ cách nhau vài gang tay nhưng quyền hành phía bên kia thì ghê gớm lắm. Ông muốn làm gì và bất cứ lúc nào cũng được. Ông hăng say vào vòng bắn. Những tia lửa của làn đạn đạo vẽ hình rồng rắn trên không, chẩy về mục tiêu được yêu cầu. Bao nhiêu người phục vụ cho một tay súng trên cao. Ông hăng say là phải. Mỗi lần bắn, tầu lại nghiêng về phía ông. Cánh máy bay phía bên tôi gác trên đường chân trời, bỗng dưng tôi có cảm tưởng như mình là một thằng bé bị treo cổ áo trên một nhánh cây cao, chân hụt hẫng, chẳng nhìn thấy đất, chung quanh chỉ còn là trăng sao.

Đêm nào cũng thế ba phi vụ do ba phi cơ thay phiên phụ trách vùng bay, mỗi chiếc “thầu” ba tiếng đồng hồ dài, như vậy tính đổ đồng là chín giờ bay mệt nghỉ, từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau. Đó là cái lý do ai cũng thích bay phi vụ đầu vì khi thi hành xong nhiệm vụ là được chuồn ngay về Tân Sơn Nhất ngủ. Tuy vẫn là ngủ trong trại nhưng dù sao cũng tránh được cảnh lạ giường lạ chiếu. Có một hôm trong phiên trực của tôi, phòng hành quân điều động quá sớm, tầu biệt phái chưa đáp tại vùng được yểm trợ để “check in”, đã phải đổi hướng đi “uýnh nhau”. Tôi thấy thích thú vô cùng vì ít khi được đánh vào lúc hoàng hôn. Nhưng cuộc vui chóng tàn, lúc tầu hết đạn mới thấy buồn vì phải đáp để lấy thêm đạn dược, và đương nhiên sẵn sàng chúng tôi trở thành phi hành đoàn túc trực ca bay chót trong đêm. Bay sớm chưa chắc được về sớm là trường hợp này.

Đêm hôm ấy khi đáp xuống phi trường Bình Thủy tôi nhìn đồng hồ mới hơn mười giờ tối. Trưởng tầu rủ đi ăn cháo đêm, nghe tiếng lão, lạ thật bụng mình tự nhiên thấy đói. Nhẩy lên xe, chạy vài cây số là đã tới nơi. Người tài xế là dân địa phương, anh biết nhiều chỗ ăn khuya nổi tiếng. Quán nhậu là một túp lều tranh, quang cảnh ở đây ấm cúng, món ăn lại hấp dẫn. Mới vào tới cửa đã thấy mùi hành tỏi thơm phức bốc lên từ phía nhà bếp. Ngoài những món nhậu lai rai, tôi gọi thêm một tô cháo lươn. Tới vùng này mà không nhậu là uổng. Những đặc sản nổi tiếng và những tay đầu bếp có hạng không thể tìm thấy ở những nhà hàng lớn sang trọng trong thành phố nơi tôi ở. Chỉ có ở đây trong những quán nhậu lè phè như thế này mới hưởng được trọn vẹn cái hương đồng nội.

Đang ngồi chờ, bụng cồn cào, thì từ nơi cửa có một nhóm quân nhân nửa đêm vừa đi hành quân về_ quần áo vẫn còn vướng mùi bùn_ ồn ào đi vào. Tôi thoáng thấy Tâm bạn cùng khóa(đđ F) đi qua phía bên kia, khu còn trống chỗ ngồi. Tôi biết chắc là hắn không nhìn thấy tôi. Tôi vội kéo ghế đứng dậy, sang tìm hắn. Hắn ngạc nhiên nhìn tôi rồi chửi thề “Đ.M. sao mầy ở đây, giờ này”. Hắn kéo ghế cho tôi ngồi rồi tự động gọi bia, tôi thoái thác vì còn phải về trực bay. Tôi chỉ gặp Tâm được một lần ngắn ngủi ấy thôi rồi sau này nghe tin hắn theo tướng Hưng về tử thủ tại An Lộc…

Bạn cùng khóa, rải rác khắp bốn vùng chiến thuật, tôi biết chỗ nào cũng có một vài tên nhưng khổ một nỗi là tôi chỉ đáp ở những phi trường lớn mà trong khi đó bạn tôi thì đứa nào cũng phải cầy sâu cuốc bẫm trong rừng sâu nước độc. Thỉnh thoảng may mắn mới gặp được vài đứa đi phép bằng phương tiện máy bay quân đội. Ôm chầm lấy nhau mày mày tao tao được vài câu, cười đùa được vài phút cho thoải mái rồi mạnh ai nấy đi. Tôi lên phòng lái, bạn tôi ngoan ngoãn là người hành khách đi quá giang, ngủ gà ngủ gật cho bõ công đã ngồi chờ máy bay từ sáng đến giờ này đã xế chiều. Cuộc sống cứ như thế mà chảy đều theo năm tháng, chồng chất kỷ niệm các vùng tôi đã đi qua. À quên có một điều tôi phải nói rõ hơn. Với những năm tháng bay bổng đều đều như thế và dựa vào tình hình của cuộc chiến, chiến cụ được thay đổi thật nhanh và tôi cũng lướt theo nhịp độ đổi thay ấy để qua các giai đoạn như hoa tiêu chánh, trưởng tầu C123, sĩ quan An Phi, rồi phi đội trưởng C130. Chuyên bay chở hành khách, kể cả quan khách…. nằm (quan tài) và những phi vụ chuyển quân cùng với những phi vụ tiếp tế thả dù. Chính vì vậy mà tôi có nhiều dịp “đi đó đi đây” vô tình gặp lại bạn bè qua các miền nóng bỏng của chiến trận

*. Miền trung nắng cháy, khí hậu thật khô tôi gặp lại Phan tại sân bay Phú Bài (Huế) thủa nào, anh chàng “Phan ngủ” bên nhẩy dù, đón tôi trong những chuyến chuyển quân vội vàng. Cặp mắt anh vẫn mơ màng như mơ ngủ, “ngủ” từ lúc còn là sinh viên. Gặp lại tôi anh ngạc nhiên hỏi “Mầy làm gì với chiếc máy bay to lớn này”. Tôi đang xả xăng ít xăng để giặt chiếc găng tay bằng da mềm, nhìn anh tôi chìa chiếc găng tay vừa giặt trả lời “tao đang chùi đ.’.t cho máy bay”. Anh cười lớn, nụ cười ấy đã làm mí mắt anh đã nhỏ nay lại khép nép hơn. Trông dâm “đíu” chịu được. Nói với nhau được đôi lời rồi tôi phải đi. Tuần lễ sau đó tôi có dịp gặp lại “Phan Ngủ” trong một phi vụ chuyển quân khác. Bấy giờ tôi mới biết anh đang đóng quân tại sân bay Huế. Từ đó vẫn những câu hỏi cũ mỗi lần gặp nhau nhưng câu trả lời của tôi thường thay đổi theo vị trí của các phần “ngoài da” con tầu. Từ đuôi đến cánh tôi lau sạch, đến một ngày vô tình tôi có dịp đưa anh về phép. Khi mời anh lên phòng lái để xem phong cảnh lúc cất cánh, tôi thoáng thấy mặt anh tái đi. Tôi biết anh đang nghĩ gì trong lòng. Phải chăng anh đã chọn lầm một chuyến bay. Tôi biết anh đang phân vân trong tình trạng “trao duyên lầm tướng cướp” như thế này. Mặc dù lúc ấy tôi đã “nàm nớn” rồi. Chức “pilote commendant de board” không phải là dễ trong ngành bay vận tải. Anh nhìn tôi gượng cười, nụ cười méo mó như gái còn trinh ngồi phải…cọc. Dân mủ đỏ không phải chỉ một mình Phan ngủ là hành khách của tôi. Cũng có chuyến xuôi nam khác chở lính về thủ đô, gặp lại Hải Khều, anh vẫn…cao như “hồi còn thơ dại”. Tôi còn có nhiều dịp chở anh em nhẩy dù kể cả những phi vụ huấn luyện nhảy Saut. Đi đi về về Huế-Saigon nhiều như cơm bữa nhưng có một điều tôi không nhớ rõ là không biết có được cái hân hạnh chở ông bạn sinh viên cùng phòng, mũ đỏ Bùi văn Nam về làm chim thành phố hay không?…

*. Còn anh em mũ Xanh, với những lần đáp toát mồ hôi nơi sân bay Ái Tử (vùng Quảng Trị) để thả vội anh em Thủy Quân Lục Chiến xuống. Tôi vẫn còn nhớ cái sân bay bằng vỉ sắt ướt át ấy, nó chênh vênh quá, hớ hênh như cô gái quê mùa đang tênh hênh đón ngọn gió lùa đồng nội. TQLC có Hợp, có Phú, có Cấp… những người bạn tôi đã gặp trên đường họ đi hành quân hoặc về phép. Có một ngày từ Huế tôi tình cờ đưa Phú Phét về Saigon. Xuống tầu hắn liệng cho tôi cuốn sách của hắn vừa xuất bản “Cuộc tình dấu mặt”. Tôi đã cười thầm suốt con đường về nhà với cái tựa đề tôi tự chế ra “cuộc tình dấu mặt nhưng để lòi…cái khác ra”. Tôi không dám nói với hắn như thế vì tự ái tuổi trẻ rất cao, dám chạm đến tác phẩm đầu tay (?) dẫu rằng hắn biết tôi nói đùa đi chăng nữa thì hắn cũng chẳng nhìn mặt tôi đâu. Bây giờ thì già rồi, nói sao cũng được, nếu Phú Phét giận tôi đó là điều mừng vì chỉ có cách ấy mấy cụ mới… nhớ tới nhau.

*. Đó là chuyện mũ đỏ mũ xanh, còn mũ nâu thì sao?. Gần chục năm trời từ ngày giã từ trường mẹ tôi mới có dịp nghe lại tiếng của Đỗ Văn Mười (Mười Cọp đđ F) trong máy truyền tin hành quân của Biệt Động Quân khi tôi đáp thử chuyến đầu tiên trên sân bay dã chiến Tống Lệ Chân. Công việc của tôi là xác định tình trạng sân đáp, để ký giấy chấp thuận và chứng nhận cho sân bay tác chiến này được xếp loại có độ an toàn tối thiểu cho loại tầu lớn. Vì phải có chữ ký của đơn vị trưởng đồn trú tại địa phương, tôi may mắn gặp Ngôn tuy là khóa đàn em nhưng hắn ngang với tôi về cấp bậc. Ngôn vào máy gọi Mười. Tôi hứa với Mười là sẽ bay qua vùng anh đóng quân, nhưng quên không nói rõ với anh là tôi không xuống được vì loại tầu C123 cần phải có sân dài. Lời hứa chẳng thực hiện được vì một chuyện rủi ro khi cất cánh tại Tống Lệ Chân. Tầu trúng đạn, chẩy bình xăng cánh phải. Tôi lết về Tân Sơn Nhất đáp để sau đó bị khiển trách vì lý do an phi. Theo luật phi hành khi tầu bị nạn thì phải đáp tại phi trường nào gần nhất. Lúc ấy sân bay Biên Hòa là nơi gần nhất nhưng tôi đã không đáp. Trong phòng họp xét xử thấy tôi không phản kháng gì cả mặc dù họ biết tôi là người hay “toang toác” cái miệng. Ông trung tá trưởng phòng an phi ngạc nhiên trước sự im lặng của tôi, khi ra về ông có hỏi nhỏ “anh cho biết lý do tại sao anh quyết định đáp tại TSN”. Cái lý do thật tình tôi chẳng nói ra chỉ vì muốn Tống Lệ Chân được tiếp tế đầy đủ đạn dược vì nhiều lần đi họp tôi đã nghe nói phong phanh nơi đây sẽ là thí điểm của cục diện mới và chúng tôi chỉ tiếp tế tượng trưng vài chuyến thôi, sau đó bên trực thăng họ sẽ lo. Tống Lệ Chân là một cứ điểm quan trọng về chiến lược. Hai tuần một lần, tiếp tế bằng C123 như thế, đồ tươi sẽ được gởi kèm theo ít nhiều. Lần bay check này nếu mọi sự tốt đẹp thì kế hoạch tiếp tế đồ tươi sẽ được thực hiện đều đều. Vì thế lần này gặp nạn, nếu tôi đáp khẩn cấp ở Biên Hòa, rồi những tờ báo cáo an phi ở đây họ thêm mắm thêm muối rồi chuyển về Saigon. Họ sẽ lấy cớ mất an ninh phi trường và sân bay Tống Lệ Chân sẽ không được chấp thuận cho đáp nữa. Như vậy sẽ tội nghiệp cho phe “cùi” của ta đóng ở đó (tiếng lóng của dân Võ Bị Đàlạt). Thấy tôi im lặng, ông nhắc lại câu hỏi vừa qua. Tôi mỉm cười trả lời “Từ BH về TSN có ba phút đường chim bay. Cao độ tôi vẫn còn vả lại lúc bấy giờ như gái mới lớn, tôi chỉ biết …mím môi chịu trận vì biết ba phút nữa là tới bờ… bến mê, tại sao không làm”. Ông trung tá trưởng phòng an phi nhìn tôi rồi lắc đầu đi ra. Mấy tuần lễ sau đó mỗi khi đi họp, mấy ông phi công ở phi đoàn khác gọi tôi bằng cái tên lạ “Pilot mím môi”. Tiếng đồn về tới phi đoàn tôi, người ta chế biến thêm danh từ vào và từ đó gọi tôi là “Pilot mím môi, ưỡn người”. Tôi cũng chẳng để ý nhưng không hiểu tại sao từ dạo ấy trong những chuyến bay chở hành khách thường ngày ít người dám gởi vợ con hoặc em gái đi quá giang tầu tôi. Mặc dù tôi chẳng “ưỡn người” bao giờ cả. Ông Mười cọp ơi, có lẽ giờ này ông đã hiểu tại sao… con không đến thăm ông như đã hứa. Sang Hoa kỳ, tôi gặp mặt Mười lần đầu, kể từ ngày ra trường, tại nhà Lý K. Vân trong tiệc cưới của con trai Vân, có đông anh em cùng khóa, sự vui mừng đã làm tôi quên đi câu chuyện cũ và lỡ dịp để giải thích cho người bạn cùng đại đội sinh viên ngày nào, thời gian trôi qua thật nhanh, thế mà cũng hơn ba chục năm rồi…

Tiếp tục kể chuyện lính cho vui…Có lần trong phiên trực hành quân, vào đúng bốn giờ chiều ngày thứ bẩy, tôi được lệnh cất cánh bay ra Huế. Khách lượt đi chẳng có bao nhiêu nhưng lúc về mới là phi vụ chính, chở một đại đội nhẩy dù còn sót lại và một phi hành đoàn, tầu của họ vừa hư để lại tại sân bay địa phương. Chưa bao giờ tôi chửi thề hăng như thế. Vì hôm ấy là thứ bẩy, đêm nay lại có dạ vũ trong căn cứ. Tôi thường chọn thứ bẩy để trực là lý do như thế. Tấm bảng quảng cáo đã viết bằng phấn trắng đặt trước cửa ra vào câu lạc bộ sĩ quan từ đầu tuần, có vẽ những nốt nhạc, lời ca được tô đậm ghi ba chữ rõ ràng “là lá lý”. Lời ca ngây thơ trong sạch để che mắt thánh nhân, nhưng đối với dân pilốt đó là cái mật lệnh nhắc nhở phe ta cấm đem vợ con vào. Không hiểu ông nào nghĩ ra những chữ ấy để thay vào tiếng lóng diễn tả “con cua, con bướm” mà người đời vẫn dùng, để dành gọi phái liễu yếu đào tơ. Ba chữ “là lá lý” làm thành một câu văn ngắn và gọn đúng như văn thư quân đội. Lệnh ít khi có chủ từ. Chữ Là là động từ, lá lý là danh từ. Từ bé đến lớn tôi chưa thấy lá lý bao giờ không hiểu nó có giống… hay không mà nghe nó gợi hình quá. Động từ “là” (là quần áo) người chế ra chữ này chắc chắn phải là dân bắc kỳ rốn. Nghe chữ “là” nó nhẹ nhàng như mây khói. Nhẹ như “là” một chiếc áo sơ mi bằng lụa mỏng. Nếu chuyển sang tiếng miền nam là “ủi” thì thật vất vả quá chừng, nghe toát mồ hôi trán. Làm cái “chiện” ấy, như xe ủi đất, hùng hục quên cả trời trăng nghe chẳng có tính văn nghệ văn gừng gì cả. Bữa nay có dạ vũ “là lá lý” mà tôi lại phải xách cartable đi bay làm sao tôi không chửi thề cho được. Tôi lằng lặng ra bến đậu mà lòng chẳng được vui. Phi hành đoàn đã chờ sẵn và hành khách chưa được lệnh lên tầu. Thấy tôi tới, phi hành đoàn hô nghiêm và đứng chào. Tôi biết ngay là có chuyện lạ. Vụ chào đón như thế này không bao giờ xẩy ra đối với tôi khi đi bay. Vì đi bay cũng như đi chợ hàng ngày, tôi thoáng nghĩ chắc trong đám hành khách thế nào cũng có một bông hồng tôi quen. Dân làng bay vẫn có cái trò khỉ ấy, tâng bốc gà nhà. Khi tôi đi qua mặt người phi công phụ tôi nghe anh nói “Cái lon mới của ông làm chói mắt chúng tôi quá”. Có tiếng cười nhỏ của phi hành đoàn, tôi đã tìm ra nguyên nhân của sự chào kính đó. Họ bay với tôi lần đầu kể từ ngày tôi mang cấp bực mới. Hàng ngày, phi hành đoàn được xếp bay luân chuyển, không cố định từng nhóm, máy bay cũng thế, hôm nay bay chiếc này mai bay chiếc khác. Trong đám hành khách tôi nhận thấy có một vị trung tá bộ binh, sau khi tôi đi vòng quanh tầu để kiểm soát lại phía ngoài tầu, tôi tiến lại chào hỏi vị trung tá ấy. Đến gần tôi mới nhận ra là bạn cùng khóa. Tôi đeo lon thiếu tá mới được ba tuần lễ và anh đeo lon trung tá đã bạc mầu. Hồi còn là sinh viên Võ Bị tôi ở tiểu đoàn hai còn anh ở tiểu đoàn một. Anh tên là Xuân hay Bình gì đó, giờ này tôi không còn nhớ rõ tên anh, chỉ biết anh ở vùng I chiến thuật. Chuyến bay ấy tôi có thể hủy bỏ được vì lý do kỹ thuật. Tầu Việt Nam chẳng có chiếc nào hoàn toàn tốt cả, lấy lý do kỹ thuật là đúng sách vở chẳng ai cãi lại được với mình. Tôi đã không làm như thế vì mình vốn xuất thân từ trường Đà Lạt, dùng những tiểu sảo ấy không đáng. Bây giờ tôi lại gặp “cùi” cùng khóa, sự bực bội lúc đầu nay đã tan biến đi nhanh chóng. Vui vẻ trở lại mặc dù đêm nay phải về trễ và chắc chắn sẽ lỡ cuộc vui. Anh em trong phi hành đoàn bữa đó họ cho tôi là người có tánh “trồi trụt không đều”. Giận đấy rồi lại vui ngay…

*. Trở về vùng biển Nha Trang. Tôi thường xuyên đáp tại phi trường Phan Rang nhưng ít khi gặp được Trương Khương. Vì tôi không gọi hắn, nhưng sau này nghe tin đồn có người nói lại với tôi, tại phi trường này có hàng bánh cuốn có một cô bé trông được lắm. Tò mò tôi tính tìm đến, rồi cứ chần chừ sáu tháng sau mới thực hiện được ý định “gian ác” này. Gặp lại Khương, lúc này hắn mới bắt đầu để râu, trông “nhột bỏ mẹ”. Hắn rủ về nhà ăm cơm, tôi thì thích ăn…bánh cuốn. Từ chối hắn mà đi ăn bánh cuốn thì chơi với ai. Tôi đành bỏ lỡ cơ hội rồi đề nghị ra phố Tháp Chàm ăn trưa cho thoải mái hơn là về nhà. Từ đó mỗi lần bay qua vùng này, tôi đều ngó xuống mà thấy tiếc thầm. Ông Cà Khịa ơi, ông hại bạn rồi đấy…

Dân Vận tải vẫn mang tiếng là buôn bán, nhưng chuyện ấy chẳng nên viết vào đây làm gì, vì bao nhiêu tiền tôi kiếm được đều chạy qua ánh đèn mầu, những đêm nghe nhạc thính phòng, hoặc dùng để chùi sàn nhẩy hết trọi. Cuộc sống của pilot thời chiến ai bảo đảm được tương lai. Tiền để trong túi nó mục gây tai hại cho sức khỏe, thế nên tiền không có cánh mà bay dễ dàng. Ăn sài đi vì biết bao nhiêu bạn tôi chết trẻ không kiếm được xác, mười đầu ngón tay không đủ để đếm số bạn thân đã ra đi.

*. Đi đông đi tây gặp lại bạn bè, niềm vui đến thật nhanh và đầm ấm. Hồi đó tôi chẳng có danh sách địa chỉ của các bạn đồng khóa như bây giờ. Gặp lại nhau chỉ là vô tình như đàn kiến đụng đầu nhau dọc đường “say hello rồi good bye” sau đó mạnh ai nấy đi.

Tất cả những kỷ niệm thời còn trẻ theo dòng đời mà trôi, rồi mất hút. Nếu bạn nào đọc những dòng chữ trên đây mà cho rằng tôi thuộc loại nổ thì tôi cũng chẳng màng vì đời là bể khổ thầy tôi dạy như thế. Đối với tôi tất cả chỉ là phù du, có trong tay mà chẳng nắm được. Kỷ niệm có về trong chốc lát thì chút nữa nó cũng lại ra đi, vớt được nó trong tầm tay phút nào là đang được hưởng những Credit vàng ngọc lúc đó. Rồi nó sẽ bị lãng quyên trong cuộc sống quá bận rộn đầy bon chen này. May mắn thay những kỷ niệm ấy có cả bóng dáng của bạn mình, sự kiện quí giá ấy sẽ tạo cái mốc của thời gian, để về già nếu tôi có loạng quạng, tôi vẫn còn có nơi để bám víu vào đó, để biết chắc rằng tôi từ khóa 19 mà ra và lúc bấy giờ dẫu mà tôi có “ú a ú ớ” thì vẫn còn hãnh diện là người của khóa Nguyễn Trãi trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

ĐÀO QUANG VINH