HOA DẠI BÊN ĐƯỜNG

Tùng nằm sải tay ra trên mặt ván, dáng dấp mệt mỏi do cơn bịnh cảm hành hạ chàng dây dưa suốt mấy ngày qua, chẳng có chút nào thuyên giảm! Căn phòng sáng sủa quá khiến cho chàng thêm đau nhói trong não, cảm giác giống như đang bị búa bổ từng chập vào đầu! Chàng gượng người ngồi hẳn dậy và vói tay ra hạ thanh gỗ nhỏ dùng để chống đỡ cánh cửa sổ bằng phên tre xuống. Ánh sáng trong căn phòng giờ trở nên êm dịu hơn. Tùng ngồi thở dốc trong nỗi đau đớn tột cùng!

Chàng ngả lưng trở xuống mặt ván và nằm im như vậy thật lâu. Chợt nhớ đến phương pháp đếm số để dỗ giấc ngủ, Tùng lẩm nhẩm… ‘‘một, hai, ba, bốn,…’’ và cho đến một con số nào đó, chàng đã thiếp đi trong giấc ngủ say nồng, trong khi bên ngoài đang là giữa trưa của một ngày chớm đông với bầu trời trong sáng.

Từ phía ngoài đầu ngõ, văng vẳng mấy tiếng sủa ăng ẳng của con chó Vàng rồi nín bặt. Tùng giật mình tỉnh giấc. Chàng nghĩ, nếu như không phải là khách quen đến chơi, con Vàng đâu chịu làm thinh khi chàng chưa lên tiếng la rầy nó. Tùng uể oải ngồi dậy và lần bước ra ngoài sân. Chàng ngạc nhiên khi thấy con Vàng đang quấn quít bên một người thiếu phụ trẻ đang cúi người xuống xoa hai bàn tay lên trên đầu nó. Khi Tùng nhìn kỹ lại, thì ra người ấy là Mật, người con gái hàng xóm đã một thời làm cho chàng phải đắm say, thuở của những tháng ngày vừa mới bước chân vào ngưỡng cửa của bậc trung học…

***

Vì đang là mùa điều chín rộ, nên chiều nào cũng vậy, Tùng rất bận rộn trong việc thu hái điều để cho má chàng gánh ra chợ bán vào lúc sáng sớm ngày hôm sau. Tùng xách chiếc giỏ mây và vác cây lồng dài đi về phía hàng điều trồng dọc trên bờ ranh giới đất giữa nhà Mật và nhà chàng. Bụi tre cuối vườn lả ngọn vươn hẳn lên trong ráng nắng buổi chiều tà còn đang tô hồng khung trời tây. Xa hơn hai trăm thước ở ngoài kia, một mái ngói nhỏ nhô lên giữa mấy đám ruộng gò trồng mấy liếp hoa Cúc và hoa Vạn Thọ đang nở rộ những đóa hoa tươi thắm mà đứng nhìn từ xa, trông giống như những dãy lụa vàng màu sặc sỡ.

Tùng leo lên ngồi đu đưa thân mình trên một nhánh điều sà xuống là đà trên mặt ruộng và dõi mắt trông theo người qua kẻ lại trên đường. Phía bên kia quốc lộ, mấy vạt nắng vàng đang lướt chầm chậm và cuối cùng cũng đã tắt hẳn trên cánh đồng chỉ còn trơ ra những gốc rạ sau vụ gặt.
Tùng mon men qua mấy bờ thửa của những đám ruộng nhỏ để đi về phía Mật. Cô gái láng giềng đang hai tay xách hai gàu nước giếng lên đi tưới hoa. Mật tuy đang chăm chỉ làm việc, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt về phía hàng điều, vẻ như đang mong ngóng ai.

Tùng thủng thỉnh bước, giả vờ như một kẻ nhàn nhã đang đi dạo mát. Nhưng lúc đến nơi, Tùng đã chẳng biết giữ gìn ý tứ gì cả khi nhìn trân trân như dán chặt mắt vào khoảng đùi tròn chắc nịch của cô gái trẻ. Mật tỏ vẻ bối rối và ngượng nghịu trước cái nhìn quá trơ trẽn của chàng trai đang đứng trước mặt mình. Một cảm giác đê mê lẫn nhột nhạt chạy khắp châu thân Mật. Đôi gò má nàng nóng bừng lên như bị lửa đỏ táp vào mặt. Nàng thầm nghĩ… ‘‘Cái anh chàng hàng xóm này luôn luôn có cái nhìn chẳng mấy gì lương thiện cho lắm’’.

Tuổi của Mật chỉ vừa mới ‘‘trăng tròn mười lăm’’! Nhưng vóc dáng của nàng với những đường cong phát triển đều đặn tạo nên những nét gợi cảm dễ thương có sức hấp dẫn kỳ lạ như trên cơ thể của một cô gái mười tám đang độ tuổi xuân thì.
Một phút trôi qua, Mật lên tiếng:
– Làm gì mà nhìn ‘‘người ta’’ dữ vậy?
Tùng bất chợt giật mình trong nỗi thẹn thùng. Tâm trạng của chàng bây giờ giống như một kẻ vừa mới ăn vụng bị bắt gặp quả tang vậy.
Tuy vậy, chàng vẫn chống chế:
– Ðâu có!
Mật quyết không buông tha cho kẻ ngoan cố, nên gặng hỏi lại:
– Nhìn vào ‘‘người ta’’ như vậy mà còn nói ‘‘đâu có’’, chối phải không?
Tùng có cái nhược điểm là hay suy nghĩ vẩn vơ trong lòng cùng lúc với cách nhìn chằm chằm vào một cái gì đó, chẳng giống như bao chàng thiếu niên khác chỉ dám lén nhìn trộm vào những chỗ “cấm nhìn” trên cơ thể người con gái. Bây giờ, Tùng đã bị kẹt cứng bởi bản tính cố hữu của mình. Chàng đang tìm cách để né cái tội quan sát quá lộ liễu vừa rồi. Nhân khi thấy hai chiếc gàu ở trên tay Mật chỉ chứa nước tới mức hơn một nửa, Tùng mừng thầm, cho đó là cái cớ để chạy tội. Vì là vào mùa khô, mực nước trong giếng xuống thấp, chớ với sức vóc ‘‘mười lăm’’ mà có thể ‘‘bẻ gãy sừng trâu’’ của Mật thì nhằm nhè gì với hai cái gàu nước nhỏ bé kia để phải tốn công gò lưng xách lên mỗi lần chỉ có lưng lửng hơn một nửa gàu nước!
Tùng liền vin vào điều đó mà nói trớ đi cho xong chuyện:
– Thiệt mà, tui nhìn hai cái gàu nước ở dưới hai tay của Mật thôi mà!

Mật vội bỏ hai chiếc gàu xuống bên thềm giếng đoạn quay bước đi nhanh về phía nhà mình, bỏ lại sau lưng một đuôi mắt nguýt dài. Mật bỏ đi chỉ vì nàng muốn trở vào nhà để làm một vài việc lặt vặt gì đó trong khi chờ cho mạch nước mội chảy ra thêm trong lòng giếng, chớ trong thâm tâm nàng chẳng phải có ý giận dỗi gì về việc Tùng đã chối bừa cái nhìn vừa rồi.
Mật vừa đi vừa nhớ lại chuyện mới xảy ra. Nàng vội cúi thấp đầu, liếc mắt nhìn xuống hai chân mình. Hai ống quần lãnh đen xắn tròn lên đến sát háng, phô ra hai khoảng đùi ướt mượt như hai pho tượng đồng vừa mới phết lên đó một màu nước sơn bóng láng. Nàng chợt nghĩ… ‘‘Chỉ có vậy thôi, mà sao ‘‘người ta’’ lại thích nhìn nó đến chảy nước miếng mà cũng chả hay vậy?’’.
Tùng đứng trông theo Mật mà lòng băn khoăn hối hận về nỗi dại dột dám nhìn vào cặp đùi trần của người đối diện mà không có can đảm để thú nhận tội lỗi của mình.

Con Vàng đang quấn quýt bên chân Tùng, thấy Mật bỏ đi, nó cũng vội vã chạy theo. Chàng gọi luôn mấy tiếng ‘‘Vàng! Vàng!’’, nhưng con chó ranh ma kia đã phản lại chủ của nó, cong đuôi chạy theo Mật và vọt thẳng vào nhà, trước cả nàng.
Với lòng buồn bã, Tùng định quay bước trở về lối cũ, đã nghe tiếng của Mật từ trong nhà gọi vói ra:

– Anh Tùng ơi, vào trong nhà giúp tui cái này, lát nữa tui đi hái điều phụ cho!
Tùng quay nhanh trở lại, vui như mở cờ trong bụng. Chàng đã có lý do để trở vào nhà chuyện trò cùng Mật mà không phải bận tâm lo sợ bởi cái việc nàng đem chuyện…hai cái đùi kia ra để làm khó dễ chàng nữa…

***

Nhà Mật chỉ cách nhà Tùng bởi một hàng điều làm ranh giới. Ðó là một căn nhà gỗ ba gian, mái ngói âm dương và vách đất nằm cheo leo giữa một vạt ruộng gò rộng trên một mẫu ta nằm dọc bên phải của quốc lộ 22 B, cách thị xã Tây Ninh khoảng năm cây số về hướng Sài Gòn. Nghe nói trước đây, gia đình của Mật cư ngụ và lập nghiệp ở miệt gần trên vùng biên giới Việt-Miên. Vì chiến tranh mỗi ngày một lan rộng ra, nên vào một ngày gần giáp chạp năm ấy, cả gia đình nàng đã di chuyển đến nơi này trên hai chiếc xe vận tải lớn. Những ngày tiếp nối sau đó, ngôi nhà đã được dựng lên vội vã để kịp ăn cái Tết đầu tiên nơi đất định cư mới.

Những người qua lại trên đường, ai cũng khen dượng Út và cô Út, ba má của Mật, đã hội nhập nhanh vào cuộc sống mới. Vừa mới ra giêng, người ta thấy có một chiếc xe bò nằm dưới mái hiên được dựng lên ở bên hông phải nhà và một đôi bò kéo xe cột trước vuông sân rộng. Khoảng đâu hơn hai tháng sau, cô Út và Mật đã cùng nhau trồng được những đợt bông Vạn Thọ nối tiếp nhau trổ hoa vàng tươi thắm ở quanh nhà.
Dượng Út và ông Tư, ba của Tùng, đã trở nên đôi bạn thân. Họ thường đánh xe bò theo nhau vào rừng, tìm đến những vạt rẫy vừa mới được phát và đốt hoang xong để chọn cưa những cây củi khô và giúp nhau vác chất lên xe đem về bán cho những chủ lò nung gạch ngói ở trong vùng.
Mật và Tùng cũng quen thân nhau từ dạo đó…

Những ngày không lên rừng chở củi, ông Tư lại thích quanh quẩn sau vườn, lúc thì giẫy cỏ dại quanh những gốc cây ăn trái, khi thì vô phân cho những hàng mía, luống rau, cây ớt, gốc cà,…
Dượng Út thì trái lại, ông rất mê cái thú chơi cu. Ông thức dậy từ tờ mờ sáng, đem chiếc xe đạp ra dựng ở trước sân, cột chiếc sào dài dọc theo thân xe, treo dưới ‘‘bi đông’’ ở bên này là cái lồng cu và ở bên kia là mo cơm, xong bắt đầu đạp xe lên đường, tìm đến những khu rừng chồi có những trảng tranh rộng hay những vuông rẫy lúa vừa mới ửng vài hạt chín vàng để gác cu. Chiều về, dượng Út lựa những con chim cu rừng tốt mã nhốt riêng ra để nuôi làm cu mồi và những con còn lại, dượng bán hết cho những quán nhậu ở ngoài thị xã.
Lúc còn nhỏ, Tùng cũng mê thú chơi cu. Trong vuông đất nhà có ba cây xoài cổ thụ, ba người ôm không giáp một vòng gốc. Năm nào cũng vậy, đều có một cặp cu lửa về làm tổ trên cành xoài. Một chiều đi học về, Tùng trèo lên tổ chim để bắt cu con đem xuống nuôi. Tùng, hai tay ôm choàng quanh thân cây và trườn bụng bò từ từ lên phía tổ chim nằm trên một nhánh xoài to ve ra ngoài hướng cánh đồng ruộng. Chàng vui mừng khi bắt gọn được đôi chim cu lửa con kháu khỉnh trong đôi tay mình. Lúc trở xuống, một tay giữ cu, còn chỉ mỗi một tay nên Tùng không cách chi bò trở lui được, đành ngồi chịu trận trên cành xoài, mắt đảo theo đôi chim mẹ mất con đang vờn quanh. Lúc này Tùng mới thấm thía bài học ‘‘Không nên bắt tổ chim’’ trong sách ‘‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’’, thuở còn theo học ở trường làng. Đã vậy, Tùng vẫn cương quyết không chịu bỏ cu ra để rảnh đôi tay mà ôm nhánh xoài để lần tuột lui trở xuống. Kịp lúc trời vừa chạng vạng tối, ba Tùng không thấy chàng vào ăn cơm chiều nên mới ra sau vườn tìm. Sau mấy lần ông gọi, Tùng mới lên tiếng từ trên cành cây!

Tùng xuống mặt đất được là nhờ một chiếc thang dài mà ba chàng bắt từ mặt ruộng lên phía ngọn của nhánh xoài. Sau đó, Tùng thoát được một trận đòn nhừ tử dưới làn roi mây dài cả thước, khi mẹ chàng đã vật vã khóc la xin tha tội cho chàng…

Dượng Út đã chịu tốn công, tốn của để đóng một cái lồng, khung làm bằng những thanh gỗ xẻ nhỏ và bọc lưới kẽm ở xung quanh, để nhốt những con chim cu bẫy được và ông đã dành nhiều thì giờ vào việc chăm sóc cho cu. Ông theo dõi hằng ngày, xem chú cu nào có tiếng gáy thanh tao mà lại nhịp thêm một, hai hay ba tiếng ‘‘cu’’ theo sau mỗi lần gáy, mà người ta gọi đó là ‘‘cu chiếc’’, ‘‘cu đôi’’ hay ‘‘cu ba’’, lại có chân cẳng to và bộ ‘‘cườm’’ dày, đều đặn ôm quanh vòng cổ là bắt đem ra nhốt riêng, nuôi đặc biệt trong những chiếc lồng nhỏ, sau đó huấn luyện chúng thành cu mồi. Con nào ‘‘nổi’’ thành cu mồi, tức là đã dạn với bóng người qua lại và thường hay cất tiếng gáy vào những buổi bình minh, khi mặt trời vừa ló dạng, hay trong những lúc trưa hè. Ðôi khi ban đêm, có những con ‘‘sung’’ quá, vẫn nghển cổ lên ‘‘bo’’ từng hồi trong trạng thái còn say ngủ với đôi mắt nửa nhắm nửa mở, làm cho mấy chú chuột lén phén men đến tha trộm lúa trong chiếc máng nhỏ treo cạnh bên ngoài lồng cu, đã phải một phen giật mình, kinh hãi và cong đuôi chạy lẫn trốn trên những cây kèo nhà.

Với những chú cu đã trở thành cu mồi, dượng Út đem ra chợ bán được rất nhiều tiền. Do vậy, Dượng rất trân quý những chú cu nuôi trong những chiếc lồng nhỏ treo dọc theo hai bên hông nhà.

Trong lần đầu tiên Tùng đến chơi, thấy chàng cũng là kẻ đồng điệu mê cu, dượng Út cũng cho Tùng một con, nhưng bảo chàng phải đi mua lồng để nhốt. Cô Út thấy Tùng khoái chơi cu quá nên cô thương, bảo chàng hãy ra bên hông nhà coi con nào ưng thì xách đi cả lồng và chim. Nhưng dượng Út cứ khăng khăng không chịu thay đổi lời đã hứa. Tùng biết gia cảnh nhà mình nghèo nên chưa dám xin tiền của cha mẹ để mua lồng. Kịp đến khi ba Tùng có trồng một đám mía sau nhà và đã đến kỳ thu hoạch, má chàng đã chặt từng ôm mía đem ra chợ bán, Tùng mới có cơ hội thực hiện mơ ước của mình. Những lúc má Tùng đi vắng, chàng đã tùng theo dấu mẹ, lén chặt mía bán cho lũ trẻ hàng xóm. Cứ mỗi cây mía lớn, giá bán là một đồng, còn cây trung bình thì một đồng hai cây. Với những đứa có một nửa đồng bạc xé đôi, Tùng vẫn bán cho chúng một cây trung bình và tặng thêm một cây mía nhỏ nữa. Chỉ vài hôm sau là Tùng đã có đủ tiền để mua một cái lồng chim. Kể từ dạo đó, dưới mái nhà gần chỗ Tùng dựng chiếc xe đạp lại có treo một cái lồng chim cu. Tùng nâng niu hai buổi sớm chiều, bỏ lúa và nước cho cu ăn uống đầy đủ. Tùng đã nghe theo lời chỉ dẫn của dượng Út, đi tìm mấy cục đất do giun đùn lên, bỏ vào lửa than hồng nướng lên cho thật đỏ, xong lấy ra và vén ống quần lên mà tiểu vào đó. Đợi đến khi nguội, đem bỏ đất vào lồng cho cu ăn để ngừa chứng cu đau bụng! Tùng cũng đi tìm lá của dây ổ quạ mọc lan ngoài đồng đem về đâm nhỏ ra và hòa vào nước cho cu uống để ngừa và điều trị chứng cu bị nhặm mắt!

Nhưng con cu của Tùng lại ‘‘lội’’ quá, cứ nhảy nhót lung tung nên tong đầu vào song tre của lồng đến trụi cả lông trên chỏm đầu, trợt da tuôn ra cả máu! Và, trong một buổi đi học về, Tùng đã thấy con cu yêu quý của mình đã ngoẹo cổ nằm chết ở trong lồng!
Ðợi đến lúc dượng Út đi lên rừng gác cu, Tùng mới đến báo tin buồn cho Mật hay!
Nàng nói với Tùng tỉnh bơ như là chẳng có chuyện gì xảy ra cả:
– Cu chết chớ ai chết mà lo dữ vậy!
Cô Út thấy Tùng có vẻ mặt tiu nguỷu khi bị Mật nạt, bà lên tiếng:
– Thôi, để dượng Út về, cô xin cho con khác!
Mật không đồng ý với mẹ của nàng nên nói:
– Má à, tại sao điều gì má cũng hỏi ba hết trơn vậy?
Cô Út than vãn:
– Vậy chớ làm sao bây giờ!
Mật buông ra một quyết định giống như nàng là sở hữu chủ của những chiếc lồng cu treo ở quanh nhà:
– Thì bắt cho ảnh con khác!
Cô Út hoảng hốt la lên:
– Ý, làm như vậy không được đâu, ba mày rầy đó!
Ðể cho cô Út an tâm, Mật xác nhận hết trách nhiệm về phía mình, nếu như có điều gì xảy ra:
– La cái gì? Thì con nói con cho cu ăn, nó sổng lồng bay mất!
Nghe vậy, sắc mặt của cô Út vui hẳn lên, bởi cô cho rằng ý kiến của Mật hay, nên nói buông xuôi:
– Thì tụi bây làm sao đó thì làm!
Lòng Tùng rộn lên một niềm vui sướng bao la như khi bắt được vàng! Tùng cùng Mật ra ngoài hiên để bắt cu ngay, để rồi sau đó chàng vọt về nhà liền, bởi sợ ở đây lâu rồi dượng Út về tới thì bị lộ mánh hết! Chàng cầm con cu rất cẩn thận trong hai tay mình, chỉ lo nó vụt bay mất, khó mà xin lại con khác!
Chẳng còn kịp thời gian trở vào nhà để cám ơn cô Út, Tùng vừa bước lùi ra ngõ vừa nói giọng lí nhí trong miệng:
– Anh về nhen Mật!
Ðây là lần đầu tiên Tùng xưng ‘‘anh’’ với Mật một cách rất tự nhiên, chẳng có chút ngượng nghịu nào cả như đã từng dùng tiếng đó từ lâu rồi. Trong âm vang của một lần xưng ‘‘anh’’ đó, tuy nghe rất nhỏ nhưng âm hưởng của nó lại êm tai như một làn gió mát dịu vừa mới phớt qua vành tai, cũng đủ len nhẹ vào lòng cô thôn nữ sắp từ giã tuổi thơ ngây để đi vào thế giới của những kẻ vừa mới thoáng nhận được mùi vị của yêu đương từ một nơi nào đó chợt bay về.
Mật đã xem câu nói của Tùng như là một lời tỏ tình đối với nàng. Ðã từ lâu, Mật chỉ nghĩ rằng Tùng quen nhau thân mật với nàng cũng chỉ là ở mức độ có giới hạn nào đó trong tình bè bạn láng giềng với nhau thôi. Bây giờ, tiếng ‘‘tui’’ đã bị Tùng đột ngột ‘‘khai tử’’ nó kể từ hôm nay, khiến cho lòng Mật bỗng chốc đã trở nên rộn ràng, xao xuyến.
Và, dưới những tán cây to nơi hàng điều ngăn chia ranh giới giữa hai nhà kia, bây giờ đã là nơi hò hẹn của đôi tình nhân trẻ.
Tùng và Mật đã có dịp gặp gỡ nhau nhiều lần, trước còn lén lút, sau đã trở thành công khai. Họ thường ngồi bên nhau hóng gió dưới những bóng cây râm mát vào những buổi chiều rảnh việc.
Nhưng, đặc biệt nhất vẫn là vào độ mùa trăng sáng. Từ lúc chiếc ‘‘đĩa bạc’’ vừa mới nhú lên khỏi rặng rừng dầu phía đàng đông, đang trải thảm vàng lung linh trên mặt ruộng lúa xanh đang sắp trổ đồng đồng cho đến khi mặt ‘‘Chị Hằng’’ lên trên đỉnh đầu đang nhìn xuống trần gian, nơi mà nàng đang ngự trị, cũng phải nở một nụ cười cảm thông và chứng giám cho hai mái đầu xanh đang chung lời ước hẹn mai sau.
Và, cái lối mòn nhỏ hẹp băng qua hàng điều kia cũng đã theo thời gian mà lớn rộng thêm ra cùng với mối giao hòa ngày càng nảy nở tốt đẹp giữa hai gia đình…

***
Chuyện đời chẳng phải như dòng nước trôi xuôi như mọi người đều tưởng. Có nhiều người đang vui trong niềm hạnh phúc lứa đôi với nệm êm chăn ấm; nhưng cũng có lắm kẻ phải hằng đêm nằm ôm gối lạnh để nhớ nhung về một hình bóng nào đó vừa mới thoáng qua trong đời, đã vụt cất cánh bay xa! Dòng đời đầy dẫy những cảnh trái ngang và ly biệt, giống như một dòng sông, không phải lúc nào nước cũng chảy xuôi êm đềm qua giữa những cánh đồng lúa xanh bát ngát, mà có những khúc phải trải qua nhiều nơi lên thác xuống ghềnh!
Những tháng ngày mùa hạ nối tiếp nhau trôi qua rất nhanh, cuốn theo những tảng mây trắng bàng bạc trôi lang thang trên bầu trời cao trong xanh. Và trong những ngày đầu vừa mới bước sang thu, tuy có những cơn gió nhẹ mơn man trên da thịt tạo ra cái cảm giác thoải mái để tạm quên đi một mùa hè nóng nực đã qua, cũng có những áng mây mù giăng giăng trên nền trời màu xám nhạt, vương mang bao dáng thu buồn vừa chợt tới, để rồi bao nỗi u sầu ngày càng thấm sâu vào lòng của những ai đang phải đối diện với một cuộc tình đã vỡ trong khi mùa đông rét lạnh đang về!
Ngày ấy…
Trời chiều chạng vạng tối, vậy mà Mật vẫn còn đang xách nước tưới chăn cho mấy luống đất vừa mới cấy cây hoa con từ chiều hôm qua. Chợt, có tiếng của vật gì đó bằng sắt bị gãy vỡ và rơi xuống cày trên mặt lộ, rít lên leng keng, âm thanh nghe ghê rợn vang dội trong làn sương lam chiều mỏng như màn khói. Mật giật mình trông lên phía lộ. Một chiếc xe chở hàng đã bị gãy cây ‘‘láp-then-chuyền’’ vừa mới từ từ dừng lại bên lề đường. Hai người đàn ông, một người đã đứng tuổi và một chàng trai hãy còn trẻ từ trên xe bước xuống. Sau một hồi cùng nhau khom lưng tháo gỡ, người đàn ông lớn tuổi, chắc là tài xế, vác cây ‘‘láp’’ bước lên chuyến xe đò cuối cùng chạy ngược về hướng thị xã. Người thanh niên trẻ, chắc là phụ xế, đứng nhìn quanh một chốc, rồi hình như quên đi nhiệm vụ ở lại giữ xe của mình, cũng đã bước lững thững về phía cô thôn nữ đang đứng trân mắt từ xa nhìn lên phía lộ…
Khi chiếc xe hàng nằm đường kia đã được sửa chữa xong và lúc nó tiếp tục lăn bánh lên đường, đã mang theo cô thôn nữ âm thầm ôm gói ra đi theo tiếng gọi của con tim mình về nơi xứ lạ với chàng thanh niên phụ xế, bỏ lại sau lưng người học trò nghèo khó phải hằng đêm vương vấn bởi mối tình đầu tan vỡ!
Mùa điều năm sau, người dân ở đây không còn thấy cảnh đôi trai gái hẹn hò nhau dưới những tán điều rộp bóng trong những buổi chiều về nơi cuối cái xóm nghèo này như những năm trước đây nữa!…

Mật lê những bước đi chậm rãi theo sau lưng Tùng. Con Vàng, hết chạy lăng xăng trước mặt làm cản bước chân của Tùng, lại vòng ra sau chồm lên liếm tay Mật.
Tùng quay lại quát con chó:
– Mầy làm cái gì vậy Vàng?
Con vật hình như biết nghe được tiếng của chủ rầy, nó chạy lảng sang một bên và vểnh đầu lên nhìn Mật như thể để cầu cứu với nàng. Mật đưa tay ngoắc, con Vàng vội phóng mình về phía nàng.
Mật vội khom lưng xuống vừa trìu mến vuốt ve lên đầu con vật, vừa nói lớn giọng cốt ý để cho Tùng nghe trong khi chàng cũng vừa mới khuất ở sau cánh cửa ra vào:
– Ảnh không ưa mầy thì hãy đến đây với tao, Vàng!
Mật thấy nét mặt của Tùng lúc nãy có vẻ lạnh nhạt với mình nên nàng không muốn theo chàng vào trong nhà. Mật cùng với con Vàng vòng qua bên hông trái nhà mà ra phía sau vườn. Ðám cau trên năm chục gốc giờ đã lên cao mú với những buồng cau sai quằn những quả. Những dây trầu lá vàng leo bám chằng chịt xung quanh thân cau lên đến hơn ba thước. Mật chợt nhớ lại, khoảng đâu vài năm trước đây thôi, khi trời vừa chạng vạng tối, nàng đã đến nhà Tùng và phụ với chàng xách nước cần vọt từ giếng lên đi tưới chăn để giữ độ ẩm cho những nọc trầu mà bà Tư, má Tùng vừa mới đặt hom xuống đất, quanh những gốc cau. Cái sàn nước làm bằng tre để phơi chén bát và kế bên là cái nhà tắm được che xung quanh bằng những tấm lá dừa bện lại vẫn còn nằm y tại chỗ cũ. Xa ngoài kia, những cây điều giờ đây đã trở thành một hàng cây cổ thụ đang nhú lên những phiến lá non mềm trên những cành cây trơ trọi in lên trên nền trời xanh, vì đang trong thời kỳ thay lá. Tất cả những thứ ấy đã là nhân chứng cho một cuộc tình, gợi lại trong tâm tư Mật những kỷ niệm êm đềm khó quên!
Tuy Mật chẳng để lộ sự hờn dỗi của mình trên nét mặt bởi thái độ của Tùng có vẻ như chẳng hoan nghênh về sự có mặt của nàng hôm nay, nhưng nàng lại muốn biết rõ cái nguyên do là như thế nào để rồi sau đó nàng ra về cũng chẳng muộn màng gì!
Mật bước qua ngạch cửa sau vào trong căn nhà bếp hai gian và đưa mắt quan sát mọi vật xung quanh. Cạnh cửa hậu là chiếc tủ đựng thức ăn được đóng thô sơ bằng mấy miếng ván cũ kĩ đã ngả sang màu khói. Ở góc trong cùng là hai bếp lò kê liền nhau bằng mấy viên gạch chụm đầu lại, nằm sát chân tấm vách đất có mấy lỗ lù nhỏ thông khói trổ ra phía sau nhà. Một chiếc bàn ăn và hai chiếc ghế dài đặt ở hai bên đều làm bằng những thanh tre ghép lại, được kê giữa gian còn lại. Mật lần theo lối đi bắt cầu thông lên nhà trên bằng một tấm bìa ván to, phía trên đầu là chiếc máng xối gỗ nhỏ nối liền hai mái nhà, chỉ cao hơi quá đầu một chút.
Tùng vừa bước trở vào nhà đã leo lên nằm khoanh nghiêng người theo kiểu số bốn trên bộ ván xoài thô, nhưng đã lên nước bóng ngời. Bây giờ, Mật mới cảm thấy bực bội thêm trong lòng vì lòng tự ái của nàng đã bị va chạm bởi thái độ dửng dưng của Tùng ngay trong lúc này.
Nghĩ lại, Mật thấy mình cũng có lỗi trong việc tự ý bỏ rơi Tùng để chạy theo một tình yêu mới! Còn chồng của nàng bây giờ, như là một loài bướm lạ, một khi đã chán vờn quanh một đóa hoa dại bên đường, chắc là đang cất cánh bay đi tìm một cành hoa khác để đậu. Với Tùng, Mật cũng chẳng có cớ chi để trách hờn chàng cả, bởi vì cuộc tình năm xưa giờ như sợi dây tơ chưa thẳng đã chùng, không còn hy vọng nối lại cung đàn đã bị bỏ dở dang nửa chừng!
Chồng của nàng giờ như áng mây cuối trời, sẽ trôi mãi chẳng biết về đâu và người tình cũ đang nằm kia thì ngoảnh mặt xây lưng lại với người xưa đang muốn tìm lại chút kỷ niệm nơi lối mòn cũ, chốn hẹn hò xưa!
Tùng nằm bất động ra đó, dáng dấp cong queo trông giống như một thây người đã chết! Từ chiều hôm qua cho đến bây giờ, thân nhiệt của chàng lúc nóng lúc lạnh như người bệnh đang lên cơn sốt rét rừng. Ðã vậy, ba má của Tùng đã đi lên rẫy từ mấy ngày qua, nên chẳng có ai săn sóc cho chàng cả.
Tùng mừng rỡ khi thấy Mật đột nhiên tìm đến nơi này. Nhưng khi nghĩ đến việc cũ, chàng cảm thấy căn bệnh của mình có vẻ như nặng thêm, chẳng phải vì lòng căm ghét mà là nỗi xót xa cho cuộc đời của một người con gái đã sa chân vào mảnh lưới tình quá sớm, để rồi phải chịu cảnh bèo giạt hoa trôi âm thầm về nơi xứ lạ!
Nghe tiếng ăng ẳng của con Vàng ở đâu đó, Tùng đoán chừng rằng Mật đã vào trong nhà và đang đứng cạnh bên mình, chàng định ngồi dậy để phân bua với Mật mấy câu, đã nghe nàng lên tiếng, giọng nghẹn ngào:
– Em về nhen anh Tùng!
Tùng cố ngồi dậy và nói trong hơi thở hổn hển:
– Sao lại gấp gáp quá vậy, em không thấy anh đang bị bệnh sắp chết đây sao?
Những người phụ nữ nhẹ dạ chắc là thường hay mau chảy nước mắt! Mật chỉ nghe Tùng nói có vậy, đã vội leo lên ván và ôm choàng lấy chàng mà khóc nức nở! Tùng ngồi yên để nghe những giọt nước mắt xót xa của cô thôn nữ năm xưa xuyên qua làn áo mỏng thấm vào trên da thịt mình. Lòng chàng se lại và cảm giác như toàn thân mình vừa ấm lại trong trạng thái của một người bệnh vừa mới hồi sinh, bởi suối tóc dài hơi gợn sóng và cặp đùi trần bóng nước của người tình mà trước đây chàng được dịp đắm say nhìn ngắm trộm giờ đang ngồi kề cận sát bên mình.
Tùng xoay người nằm sấp xuống và xuôi hai tay để cho Mật mặc tình cạo gió cho chàng.
Và khúc phim kỷ niệm hiện dài theo bàn tay lướt trên tấm lưng trần. Ngày trước, trong một lần hò hẹn, Mật rúc đầu mình vào ngực Tùng để nghe chàng say sưa phát họa ra ước mơ chung của hai đứa. Ước mơ đó đã bị Mật phá vỡ kế hoạch khi Tùng chỉ mới vừa trải qua nửa giấc mộng tình!
Bây giờ, Mật rất muốn kể cho Tùng nghe bao nỗi đắng cay mà nàng đã phải gánh chịu bấy lâu nay bên người chồng chỉ biết có cờ bạc, rượu chè mỗi khi người chủ xe không có nguồn hàng nào để chuyên chở mướn cả, thành ra hai thầy trò đành phải chịu cảnh thất nghiệp như nhau.
Mật vừa định mở lời, Tùng đã hỏi một câu khiến cho Mật phải ngạc nhiên, bởi hình như Tùng đã biết hết mọi việc như ‘‘đi guốc’’trong bụng nàng:
– Sao em lại để đến bây giờ mới chịu thay đổi hướng đi của mình?
Mật chỉ có khóc để trang trải nỗi long! Tùng làm thinh, chẳng nói lên câu nào! Mật luôn cất tiếng nấc nghẹn ngào trong khi một nỗi cảm thông đang lớn dần trong lòng một bịnh nhân đang từ từ bình phục trở lại.
Không gian như lắng đọng xuống để nhường chỗ cho hai người bạn trẻ lâu ngày mới gặp lại có dịp trao đổi với nhau vài câu:
– Làm sao em quên được những ngày tháng sống êm đềm ở nơi đây, nhưng em lại không có cái can đảm để quay đầu về lối cũ!
– Tại sao vậy?
– Anh thấy em còn mặt mũi để gặp lại bà con và anh à?
– Vậy chớ ai đang cạo gió cho anh đây?
Bây giờ, Mật mới biết rằng Tùng không có chút ác cảm nào đối với mình, nhưng nàng lại nói như để thăm dò lòng chàng:
– Cạo gió cho anh xong rồi em đi liền!
Tùng chợt nhớ lại lúc Mật bỏ nhà ra đi rồi, dượng Út đã trút hết cơn giận dữ xuống đầu người vợ của mình. Ông hăm he rằng… ‘‘Nó đi thì để cho nó đi luôn, nó mà trở về đây tao quơ một gậy cho nó gãy giò luôn, con hư tại mẹ thật là đúng mà, bởi vì bà quá thương yêu và chiều chuộng con gái, nên bây giờ mới xảy ra cớ sự như vầy!’’.
Cho dù có thế nào chăng nữa, cô Út vẫn chịu đựng được những lời đay nghiến của chồng và cô luôn nuôi hy vọng trong lòng là một ngày nào đó Mật sẽ trở về và lúc ấy, cô sẽ van xin chồng tha tội cho Mật. Cô nghĩ rằng…‘‘Hùm dữ cũng chẳng thể nào ăn thịt con, đập gãy giò con rồi cũng phải nuôi nó mà thôi, chẳng lợi lộc gì cả!’’.
Lòng của một người mẹ bao la như biển cả, rộng lớn như vũ trụ mênh mông!
Tùng lật đật xoay người nằm ngửa ra, nhìn đăm đăm vào đôi mắt buồn rười rượi như sắp chảy nước mắt ra từ hai hàng mi rậm và hỏi:
– Ði đâu?
Mật chẳng biết cuộc đời mình rồi sẽ tiếp tục theo dòng định mệnh trôi giạt về đâu sau lần gặp lại Tùng hôm nay, nhưng nàng vẫn phải đáp lời người xưa với tất cả nỗi lòng mình giống như tâm trạng của một kẻ đơn độc đang chèo thuyền trên quãng sông rộng, không định được hướng tới và nơi đâu là bến bờ:
– Cũng chẳng biết nữa!
Mật đưa cánh tay áo lên quẹt nhanh hai dòng lệ chực trào ra quanh khóe mắt của nàng. Thấy vậy, Tùng nghe lòng mình càng xót xa hơn bao giờ hết, bởi chưa nói với nhau hết nỗi vui mừng trong ngày tao ngộ, sao lại vội vã gạt giọt lệ buồn chia ly!
Tùng cố nén nỗi đau thương đang dâng tràn trong lòng, hỏi Mật một câu hàm ý giống như lòng mong muốn giữ nàng ở lại:
– Em đi rồi ai nấu cháo cảm cho anh ăn đây?
Mật bật khóc òa! Tiếng nấc nghẹn ngào hòa lẫn với tiếng lòng thổn thức từ trong con tim nát vụn đang theo từng giọt nước mắt khổ đau lăn dài trên má rơi rớt xuống manh nốp lạnh!
– Thì em nán ở lại một chút rồi em…
Mật dừng lại ở đó, bởi vì đôi môi của Tùng đã niêm phong kín giọng nói của nàng…

Tùng định sẽ chọn nghề dạy học sau khi tốt nghiệp xong bậc trung học. Nhưng khi chàng có được mảnh bằng tú tài trong tay thì đất nước lâm vào cảnh chiến tranh đang đến hồi khốc liệt nhất! Tùng và bao thanh niên khác nằm trong hạn tuổi qui định đều phải đi trình diện nhập ngũ và khung trời phía sau chắc chắn sẽ đầy ắp bao kỷ niệm êm đềm với những mơ ước chưa thành!
Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa là Tùng sẽ phải lên đường, nhưng ba má của chàng thì vẫn còn đang ở trên rẫy. Suốt mấy ngày qua, Mật chỉ ru rú trong nhà Tùng. Nàng chẳng dám chường mặt ra ngoài vì sợ ba nàng hay được, nàng chẳng thể nào thoát được một trận đòn nên thân và lúc ấy, nàng sẽ phải cam chịu cảnh bị đánh gãy giò!
Tùng đang tìm cách, nhưng chưa có dịp nào thuận tiện để báo tin cho cô Út biết rằng Mật đang trú ẩn ở nhà mình. Ông trời làm khó dễ Tùng, bởi vì thời tiết đang mát mẻ bỗng nhiên trở nên hơi se se lạnh cho nên dượng Út nằm ở nhà, không đi gác cu được!
Tùng chỉ mong sao cho kỳ hạn chót của ngày trình diện nhập ngũ sẽ kéo dài thêm ra để chàng có thời gian chờ đợi ba má của chàng trở về để cùng nhau bàn bạc việc đưa Mật về lại nhà của nàng, sau đó chàng mới an tâm mà lên đường.
Chiều nay, sau khi cơm nước xong, Tùng leo lên bộ ván và chui vào bên trong tấm đệm nốp ngay, bởi vì bây giờ là thời gian rỗi rãi nhất trong ngày để chàng có thể nghĩ về Mật. Nàng vẫn như ngày trước. Với vóc dáng cao ráo, toàn thân phát triển đều đặn cùng với làn da màu bánh mật và mái tóc dài hơi gợn sóng. Chỉ có bấy nhiêu đó thôi mà đã một thời khiến cho chàng mê mẩn ngắm nhìn không chán mắt.
Ba của Tùng thì cái gì ông cũng gật đầu ưng chịu. Nhưng má của chàng lại cho rằng…‘‘Con gái gì mà lúc mở miệng ra, chưa nói câu nào đã cười híp cả mắt, gặp ai cũng thương được thì đàn ông sẽ khổ vì nó!’’.
Má của Tùng quả đã nói đúng! Mật đang cặp kè với chàng như hình với bóng, mới đó mà nàng đã vội ôm gói theo trai! Bà còn nói…‘‘Cái mông đó không mong chi có một mụn con để nối dõi tông đường và đôi lưỡng quyền hơi cao, coi chừng nó sẽ ở góa nửa chừng!’’.
Ðiều này còn phải kiểm nghiệm lại, bởi vì Mật đã sống chung chạ với chồng vài năm nay, chồng nàng vẫn sống nhăng nhẳng ra đó, mà đời người con gái thì còn rất dài nên còn nhiều cơ hội để sanh con đẻ cái, nhiều khi còn đông hơn con số dự tính đến nỗi nuôi nấng không kham, phải vừa than van vừa tự an ủi mình rằng ‘‘nghèo hào của, nhưng đặng hào con’’ không chừng!
Tùng thường nghĩ thầm rằng, nếu một khi chàng đã trở thành một nhà giáo rồi và ông Tơ cùng bà Nguyệt làm mối cho chàng và Mật kết tóc xe tơ với nhau, nàng chỉ cần hạ sanh cho chàng một trai và một gái là đủ vui rồi. Bây giờ Mật đang ở trong nhà chàng đây và sau này, vì một lý do nào đó mà nàng chẳng thể nào có con với chàng được thì quả là một điều bất hạnh cho gia đình chàng! Tùng chỉ mới nghĩ tới mỗi một việc đó là đã thấy toàn thân mình lên cơn rét lạnh như mấy ngày trước đây!
Tùng suy tới tính lui mãi, vẫn chưa tìm ra một giải pháp cho vẹn đôi đàng, đã bị Mật nắm mí nốp giựt cho mấy cái liền.
Nàng hỏi tỉnh bơ:
– Làm gì như ‘‘gà chung vô chuồng sớm’’ vậy?
Tùng nằm yên, chẳng biết trả lời Mật ra sao! Nhưng cái việc lặng thinh đó của Tùng lại là nguyên do làm khơi động lại cơn lửa tình tưởng chừng như đã bị dập tắt từ lâu trong lòng của một người đàn bà trẻ có cơ hội bùng cháy trở lại! Hơn nữa, Mật đã có hơn một lần kinh nghiệm trong việc gần gũi với người khác giới tính thì cái việc nàng muốn chinh phục một chàng trai nhát gan như Tùng, chẳng có gì là khó. Nàng chỉ việc vén mí nốp lên và chui gọn vào bên trong với Tùng là xong ngay!
Nhưng đối với Tùng, đó là một chuyện khác, chàng chưa hề nghĩ qua.
Căn nhà trên của ba má Tùng chia ra làm ba gian, hai mái. Gian giữa dùng làm nơi thờ phượng tổ tiên. Phía trước của hai gian bên kê hai bộ ván, bộ bên trái là “giang sơn” của Tùng, vừa làm chỗ ngủ vừa làm bàn học và bộ ván bên kia là nơi ba chàng nằm nghỉ trưa cũng như ngủ lúc đêm về. Phía trong cùng là hai phòng ngủ, buồng bên phải là của má chàng và buồng kia để trống.
Màn đêm buông xuống nhanh ngoài vườn. Lũ dế mèn cũng bắt đầu cất tiếng gáy gọi nhau the thé đâu đó ngoài đầu hè!
Mật nằm nghiêng qua và lay vai Tùng, nhỏ nhẹ hỏi:
– Anh làm sao vậy anh Tùng?
– Làm sao là làm sao? Tùng hỏi lại Mật.
– Là nằm yên như cục đất vậy đó!
Tùng ngây thơ chẳng biết ất giáp gì, nhưng cũng trả lời Mật:
– Vậy chớ anh phải làm gì bây giờ ngoài việc ngủ một giấc cho đã?
Mật mạnh dạn hơn:
– Thì day qua ôm ‘‘người ta’’ đây nè!
Mấy ngày qua, đêm nào cũng vậy, lúc trời vừa chạng vạng tối là Mật đã lủi vào bên trong gian buồng ngủ bỏ trống, chỉ cách bộ ván ngủ của Tùng có một tấm vách phên tre. Có lẽ nàng sợ dượng Út lên chơi bất thình lình và bắt gặp nàng ở đây chăng?
Nhưng đêm nay thì lại khác. Mật nghĩ, có thể nội trong ngày mai là ba má của Tùng sẽ trở về nhà và như vậy, nàng khó có cơ hội để vượt qua khỏi tấm phên tre kia, chi bằng lợi dụng lúc nửa đêm khuya khoắt này mà thi hành kế sách ‘‘tiền trảm, hậu tấu’’, hy vọng sẽ thành công trong việc nên duyên chồng vợ với Tùng. Mật cho đây là ván bài chót nàng đem ra áp dụng đối với người tình xưa, có thể ‘‘chiếu bí’’ chàng trong đêm nay, bằng không thì đành chịu theo số phận thôi. Nhưng Mật chẳng có thì giờ đâu để nghĩ tiếp.
Nàng cho rằng mình đã đưa ra ‘‘miếng mồi ngon’’ để mời mọc đàng hoàng mà Tùng chẳng ưng chịu thì nàng phải chủ động tấn công liền cho chắc ăn.
Mật quay qua ôm chặt cứng lấy Tùng, nhưng miệng thì nói những điều khác với lòng mình:
– Anh chẳng thích em thì sáng ra em đi liền để cho anh khỏi bị khó xử nhen!
– Sao lại cứ đòi đi hoài vậy? Tùng hỏi với vẻ hơi bực bội trong lòng.
Mật nũng nịu:
– Vậy chớ nằm bên anh mà anh cứ ‘‘làm thinh’’ hoài, ai mà chịu nỗi!
Với Tùng, cái chuyện gái trai đôi khi chàng cũng có nghĩ tới. Nhưng chàng muốn mọi việc đều phải chiều theo ý của cha mẹ chàng định đoạt. Tuy Tùng rất mực thương yêu Mật, cho dù nàng đã một lần dang dở. Nhưng cuộc tình của chàng đối với Mật chỉ đạt được đúng năm mươi phần trăm không hơn, không kém với ‘‘lá phiếu thuận’’ của ba chàng mà thôi! Còn với ‘‘lá phiếu’’ của mẹ chàng thì Tùng chẳng có chút hy vọng nào, bởi cái việc coi ‘‘tướng tá’’ cho cô dâu tương lai của bà rất ư là cẩn thận. Hơn nữa, Tùng lại là đứa con trai út, nên việc ba má định đoạt hôn sự cho chàng là thuận lẽ để cho bậc làm cha mẹ được vui trong lúc tuổi già xế bóng, thành ra cái việc mà Mật đang ‘‘muốn’’ đó, thật tình mà nói, chàng có ‘‘muốn theo’’ cũng chẳng dám khứng theo ý nàng!
Ở trong lòng của Tùng bây giờ lại nổi lên một quyết định là, nếu Mật thật dạ thương yêu chàng, nàng hãy đợi đến khi chàng thụ huấn xong khóa huấn luyện quân sự ở quân trường, rồi sau đó hãy tính tiếp.
Bởi nghĩ vậy nên Tùng nắm chặt lấy bàn tay của Mật đang ôm vòng ngang qua bụng mình và nói:
– Em vào trong buồng mà ngủ đi!
Nhưng Mật lại nghĩ về một lẽ khác đã biến thành mối nghi ngờ trong lòng nàng từ bấy lâu nay! Nàng nghĩ rằng trước đây hai đứa gần kề nhau bao nhiêu năm trời, chỉ mỗi cái ‘‘việc ấy’’ mà chàng chẳng làm được, để cho người khác ‘‘phỗng tay trên’’! Bây giờ, ‘‘mỡ đang kề bên miệng mèo’’ mà còn chê, chắc là cái ‘‘việc kia’’ của Tùng đã có ‘‘vấn đề’’ rồi!
Mật có cái tính nghĩ gì là làm ngay, chẳng đắn đo suy tính chi cho tốn công! Mật rút tay mình ra khỏi tay Tùng và làm bộ như vô tình lướt nhanh trên bụng chàng, về phía dưới rốn một chút! Cả hai đều bất chợt giựt mình! Tùng bàng hoàng như một kẻ vừa mới bị ai đó khám phá ra điều bí mật gì đó mà chàng đang cố tình che giấu! Mật giật thót người lên như thể vừa bị một dòng điện nhẹ kích vào tay!
Tùng đang bị kẻ khác ‘‘xét nghiệm’’ mình mà chàng chẳng hề hay biết, lại cho đó là một sự đụng chạm vô tình!
Riêng Mật, nàng xoay người nằm ngửa ra và cảm thấy vui vui trong lòng khi biết rằng Tùng chẳng phải là một kẻ bất lực như trong ý nghĩ của nàng đã có từ lâu…

***
Chưa chi mà Mật đòi đi tiễn Tùng đến tận cổng quân trường.
Mật õng ẹo đưa ra một lý do thật đơn giản:
– Em muốn biết anh đi lính ở đâu để em còn đi thăm anh nữa mà!
Tùng còn đang do dự chưa biết mình có nên chiều theo ý của Mật hay không! Kể từ sau cái đêm ‘‘đầu đời’’ đó, Tùng đâm ra thờ thẫn như một kẻ mất hồn! Chàng như một con ngựa non mới lâm trận mạc lần đầu, làm sao tránh khỏi cảnh bị một con ngựa già ăn hiếp! Một con ngựa chiến, cho dù có được huấn luyện kỹ càng đến đâu, lần đầu tiên ra trận cũng phải chồn chân trước một con kỵ mã đã có nhiều kinh nghiệm trên chiến trường, huống chi Tùng chỉ là một con ‘‘ngựa non háo đá’’!
Mặc dù Mật đã có mấy lần thúc hối, Tùng cũng chẳng dám đem cái việc ‘‘tiền trảm’’ đã rồi ấy ra ‘‘hậu tấu’’ với cha mẹ mình. Tùng chỉ xin ba má cho chàng được cưới Mật trước khi đi trình diện nhập ngũ. Nhưng, má chàng chẳng nghe theo, nguyên do là tại hai cái lưỡng quyền cao của Mật! Ðời nào bà chịu đi cưới vợ cho Tùng khi chàng sắp sửa đi vào nơi gió cát, trước mũi đạn làn tên!
Nghĩ tới rồi nghĩ lui, Tùng thấy mình nên nghe theo mọi quyết định của cha mẹ là tốt hơn cả. Tâm trạng của chàng bây giờ giống như của một ‘‘chuẩn tân binh’’, cần phải tuyệt đối tuân lệnh của cấp chỉ huy…cha mẹ trước đã, bởi chàng cũng chưa lường trước được mọi hiểm nguy đang chờ chàng phía trước, cho dù nơi đó là chốn quân trường!
Tùng rất lo lắng về những điều mà má chàng đã chê Mật, nhưng chàng lại lái Mật sang hướng khác để cố trấn an nỗi bất ổn trong lòng của cả hai đứa:
– Em nên ở nhà và chờ anh, đừng bày vẽ chi việc đưa đón cho thêm buồn lòng kẻ ở lẫn người đi!
Mật cũng muốn nghe theo lời Tùng, nhưng nàng sợ chàng sẽ ‘‘quất ngựa chuối truy phong’’, nên nàng ‘‘đánh’’ vào yếu huyệt của Tùng một lần cuối cùng:
– Nhưng mà ở nhà em có…bầu rồi em biết tính làm sao?
Tùng không ngạc nhiên khi nghe Mật đem chuyện có bầu ra hù dọa mình, bởi vì sau cái đêm nhớ đời đó, Tùng đã khéo léo điều tra Mật. Chàng mừng thầm khi biết rằng ‘‘cái đêm hôm ấy, đêm gì?’’ nằm trong khoảng thời gian ‘‘tác xạ tự do’’ mà hai ông bác sĩ Ogino và Knaus đã có dặn dò trong sách vở đàng hoàng là các đấng mày râu hãy nên cẩn thận trong lúc ‘‘chia ngọt sẻ bùi’’ với người tình của mình. Nếu như chưa muốn có ‘‘tí nhau’’ để ẵm bồng thì hãy chờ đến lúc ‘‘đương sự’’ cho phép ‘‘oanh tạc tự do’’ mà ‘‘thả bom’’ là điều tốt hơn cả!
Bởi đã có chuẩn bị tư tưởng trước nên Tùng quả quyết:
– Làm gì có chuyện có bầu!
Mật cắt lời Tùng ngay:
– Bộ tính chối phải không?
Tuy mới lần đầu ‘‘hành sự’’, Tùng cũng phải tin theo sách vở để biết chắc là mình có phải là ‘‘tác giả’’ hay không, chớ trong thâm tâm, chàng chẳng có ý trốn tránh trách nhiệm như lời buộc tội của Mật! Bây giờ muốn kiểm chứng, phải đợi vài tháng sau mới rõ thực hư. Tùng chẳng biết phải giải thích như thế nào cho Mật, một cô gái ít học nhưng thực thà và chất phác, nghĩ sao nói vậy, để cho cô ta hiểu được lòng mình!
Nhưng rồi mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa trước ngày Tùng lên đường, do bàn tay dàn xếp của bà Tư, má của Tùng. Việc Mật trở về nhà mà chẳng bị ‘‘ăn đòn’’ cũng là nhờ ở bà nói giúp cho mấy lời. Khi nghe nói Tùng sắp nhập ngũ, cô Út và dượng Út dẫn Mật lên thăm hỏi.
Nhân dịp này, bà Tư bởi chẳng hề hay biết vụ Tùng và Mật đã ‘‘đi đêm’’ với nhau, nên bà gợi ý với Mật:
– Bây giờ con đã quay về nhà là điều tốt rồi. Con nên tiếp tục cùng với má của con trồng hoa để có đồng ra đồng vào…
Cô Út vừa mới nghe bà Tư nói vậy, tưởng rằng bà Tư chẳng nhận Mật làm con dâu, nên cô vọt miệng lên tiếng ngay:
– Nó mà phụ với chị tưới trầu cau thì tiện hơn…
Dượng Út đang đưa điếu thuốc rê lên môi, vội bỏ nó xuống rồi nạt vợ:
– Bà nói chuyện khó nghe thật! Vậy chớ từ hồi nào tới giờ, bà chẳng thấy con gái của bà nó cứ chạy lên chạy xuống phụ giúp thằng Tùng đó hay sao?
Ông Tư thì ngồi yên nhả khói thuốc, bởi ông cho rằng việc nhà cửa, bếp núc và con cái là việc của đàn bà, còn việc chăm lo làm lụng ở bên ngoài là việc của cánh đàn ông!
Tùng rất vui trước việc sắp đặt của mẹ mình. Nhưng chàng lại chẳng dám nhìn mặt của Mật lâu, bởi vì, hình như những giọt lệ long lanh chực trào ra khỏi đôi bờ mi khóe mắt của nàng, khiến cho lòng chàng cũng sắp mềm nhũn thêm ra…

Tùng đã phải trải qua chín tháng gian lao và khổ cực ở quân trường, giống như một người tù đang mang bản án khổ sai tới chín năm! Quãng thời gian dài đó hình như, không chỉ để huấn luyện cho chàng trở thành một cấp chỉ huy của một đơn vị nhỏ trong quân đội sau này, mà còn như để kéo dài thêm ra nỗi nhớ nhung người con gái ở quê xa mà hình ảnh của nàng luôn lảng vảng ở trước mặt chàng!
Trong mỗi bước đi đếm nhịp quân hành ‘‘một, hai, ba, bốn’’ nơi Vũ Đình Trường với ‘‘Nàng Garant M1’’ ngắc ngư trên vai phải, Tùng đều nghĩ đến người yêu của mình. Hay trong những lúc ‘‘chạy đều bước’’ từ buồng ngủ đến phòng ăn, để rồi sau đó, bốn chàng sinh viên sĩ quan trẻ cùng mâm cơm với nhau thò đũa ra cùng một lượt mà chẳng thể nào chia xẻ ra làm tư được một cục thịt trâu đen thui và ‘‘dai như chão rách’’ đang nằm chễm chệ giữa mấy lát bí đỏ nổi lềnh bềnh trong một tô nước canh đục ngầu, rồi sau đó, bốn đôi đũa kia cũng vội rút về cùng một lúc để nhường cho nhau trong tình ‘‘huynh đệ chi binh’’ một miếng ăn không thể nào nuốt trôi qua cuống họng. Trong khi mà Tùng và đám sinh viên sĩ quan bạn bỏ lại sau lưng không biết bao nhiêu là giọt mồ hôi rơi rớt dài theo ‘‘đoạn đường chiến binh’’, hay đang khi ‘‘bò sấp, bò ngửa’’ dưới ‘‘hàng rào hỏa lực’’ trong tiếng đạn bay veo véo ở trên đầu, Tùng vẫn hình dung ra bóng dáng của Mật đang theo sau lưng mình! Và nơi bãi tập bắn bia bằng đạn thật, vẫn có gương mặt kiều diễm của nàng trên đường ngắm từ ‘‘lỗ chiếu môn’’ đến ‘‘đỉnh đầu ruồi’’, hay trong những lúc thực tập bài học ‘‘lính gác giặc’’ hoặc trong các bài học chiến thuật ‘‘tiểu đội, đội hình hàng dọc’’, ‘‘trung đội, đội hình hàng ngang’’,…hình như lúc nào cũng luôn có sự hiện diện của nàng ở bên cạnh chàng! Ðiều đó quả đúng y chang như lời của ai đó đã từng thi vị hóa ở trên sách báo mà Tùng đã từng đọc qua.
Nhiều khi, Tùng nằm sải cánh suốt đêm trường chỉ để đếm nhịp đạn đại pháo từ đâu đó vọng về trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú mà liên tưởng đến cảnh tượng đang xảy ra nơi chiến trường đầy máu lửa ở một nơi nào đó trên mảnh đất mẹ yêu dấu. Và, những kỷ niệm êm đềm đã qua với Mật vẫn thường hay trở về với chàng sinh viên sĩ quan trẻ trong giấc ngủ chập chờn giữa đêm dài nơi trại lính, cùng lúc với những tiếng thở đều đều và giọng ngáy khò khè như kéo đờn cò của những tấm thân đang nằm lăn ra như những xác chết vì quá mệt mỏi sau khi trải qua một ngày huấn luyện cực nhọc!…

***
Bà Tư lách mình qua khung cửa hậu và bước ra vuông sân rộng sau hè.
Trời đang trong tiết hạn hán. Cho dù mặt trời đã xế bóng, ánh nắng nóng gay gắt vẫn còn vương vãi khắp mọi nơi, kể cả khu vườn trầu được chăn tưới cẩn thận mà vẫn bị héo lá!
Cũng vào độ này, lũ trẻ con trong xóm rủ nhau ra đồng ruộng tìm mấy con cá bỗng dưng lăn ra chết và nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Con nào còn có thể ăn được thì chúng lượm đem về nhà mà khỏi phải mất công đi câu hay giăng lưới. Hiện tượng cá chết xảy ra được xem như là một tục lệ sùng bái thiên nhiên “cúng giỗ cho Chằn’’ hằng năm vào tháng bảy âm lịch! Có mấy ai nghĩ rằng ánh nắng mặt trời chiếu xuống nóng như thiêu như đốt tất cả vạn vật, đến độ cá không thể nào sống được trong những nơi có mực nước quá nông cạn!
Bà Tư thấy mấy nọc trầu của mình đang xũ lá, trong lòng của bà cũng tự dưng buồn rũ héo hon theo! Mấy đứa con lớn đã nên duyên chồng vợ và đã dọn ra ở riêng thì không nói chi, nhưng còn lại hai vợ chồng già và Tùng là đứa con trai út thì với mấy chục gốc trầu cau kia cũng đã có được đồng ra đồng vô, nên cuộc sống của họ cũng tạm lây lất qua ngày tháng. Tùng cũng nhờ mối lợi nhỏ đó mà có được ngày hai buổi cắp sách đến trường!
Kể từ sau ngày Tùng đi nhập ngũ, ngày nào cũng vậy, Mật thức dậy từ lúc tờ mờ hơi sương để lo tưới mấy liếp hoa trồng xung quanh nhà nàng. Khi trời vừa mới hé lên những tia nắng đầu tiên, nàng đã vội vã chạy lên nhà Tùng và xách nước cần vọt lên đi tưới mấy chục nọc trầu cau cho bà Tư. Nhờ vậy mà, khi ánh nắng mặt trời chiều còn in bóng cây ngả dài bên hè, bà Tư lại ra vườn và bắt thang lên tựa vào thân cau mà leo lên để hái lá trầu. Bà phải thức trắng đêm để buộc những lá trầu thành từng xấp mười bốn lá bằng dây bẹ lá chuối phơi khô. Sáng sớm ngày hôm sau, bà lại gánh trầu ra sang cho người bán lẻ ở ngoài chợ. Khi chợ đã tan, bà vội vã đi tìm mua một ít thức ăn và vật dụng cần thiết, vừa cho mình và luôn cho gia đình Mật rồi mới quảy gánh trở về nhà.
Bà Tư vừa cúi xuống lấy cái gàu nằm trên chiếc giá tre đặt ở bên hông nhà bếp, đã nghe tiếng của Mật ở sau lưng:
– Dì Tư, để con đi tưới cho!
Bà Tư quay lại nhìn Mật, giọng trìu mến:
– Ðể dì cùng tưới với con cho vui mà!
Mật không chịu như vậy! Nàng giằng lấy chiếc gàu trên tay bà Tư, lấy thêm một cái gàu nữa trên kệ giá, xong nhe hai chiếc răng khểnh ra cười duyên với bà, đoạn bước thoăn thoắt về phía chiếc cần vọt bên cạnh miệng giếng ở cuối vườn.
Bà Tư đứng trông theo Mật mà lòng dâng lên một niềm cảm thông dạt dào! Bây giờ, dưới con mắt của bà, đôi mông của Mật nở tròn ra trên cặp đùi rắn chắc, có lẽ là do nàng siêng năng vận động, đi tới đi lui nhiều trong công việc hằng ngày, chớ đâu phải là một biểu hiện của một ‘‘giống nạ dòng’’! Tiếng cười đi trước tiếng nói để khởi đầu câu chuyện của Mật sẽ làm cho nhà cửa thêm vui vẻ, ai mà ghét nàng cho được!
Từ mấy ngày qua, hoa cau ngoài vườn thi nhau rơi vương vãi một màu trắng phau phau khắp trên mặt đất và sáng nay, vài nụ còn lại rơi rớt muộn màng xuống vướng mắc trên mái tóc quăn đen, mượt mà và gợn sóng của Mật, một cô gái quê mùa có cái mông xoáy tròn theo mỗi bước đi mà người xưa thường hay chê bai! Nhưng được một cái là mỗi khi Mật làm một việc gì thì ra việc nấy, ngăn nắp và thận trọng, khiến cho bà Tư rất có cảm tình với nàng kể từ khi Tùng bước vào đời quân ngũ.
Bà Tư quay nhìn về phía Mật một lần nữa trước khi quay vào trong bếp để lo bữa cơm chiều. Bà Tư ngồi yên lặng, mắt nhìn đăm đăm vào ánh lửa bập bùng và bất chợt, đoạn phim ngắn về quãng đời con gái của bà diễn ra mờ mờ trong làn khói trắng bay lên từ bếp lò, khơi gợi lại trong lòng bà một kỷ niệm không mấy êm đềm của thời son trẻ. Ngày trước, cũng với cái mông lắc lư theo mỗi bước đi của mình mà cô Tư, là bà Tư bây giờ, đã phải ngậm muôn đắng ngàn cay bởi những lời gièm pha của mấy bà già trầu trong xóm. Trong lần đi cấy vần công ở ruộng nhà của anh Tư, là ba của Tùng bây giờ, cô Tư cấy rất giỏi và nhanh, giống như vừa khom lưng chạy thụt lùi vừa cấy vậy, khiến cho anh Tư phải chạy theo sau để lo mạ chân cho cô Tư mà vẫn không thể nào xuể được. Nếu như đứng xa phía sau mà nhìn về phía chiếc mông của cô Tư, thấy nó như là đang lắc qua lắc lại đến độ mắt phải hoa lên vì chóng mặt! Nhưng lạ một điều là chỉ có mỗi mình anh Tư là mới có thể theo sát được với cái ‘‘chong chóng mông’’ của cô Tư mà thôi, cho nên đám bạn cấy mới đặt cho cuộc tình duyên của họ một cái tên hơi dài dòng văn tự là ‘‘chuyện tình của cái chong chóng mông’’! Cái thời con gái của bà Tư nó cũng na ná giống như của Mật lúc bây giờ! Ngày xưa, bà nội của Tùng đâu dễ dàng gì chấp nhận cái ‘‘chong chóng mông’’ của cô Tư. Nhưng rốt cuộc rồi kẻ làm bà nội cũng phải chịu thua bởi cái chuyện ‘‘tiền trảm hậu tấu’’ của hai cô cậu có cùng một thứ tư như nhau trong gia đình! Bây giờ, bà nội của Tùng đã có những con đàn cháu đống để mặc sức ẵm bồng, có bao giờ bà nhớ lại cái cảm giác sợ phải tuyệt tự như lời đồn đại của người đời không?
Càng nghĩ về quá khứ của mình, bà Tư càng thấy lòng mình thấm thía với câu ca dao ‘‘canh cải mà nấu với gừng, chẳng ăn thì chớ xin đừng chê bai!’’, nên bà thật dạ thương yêu Mật hơn. Bà mong sao cho Tùng sớm mãn khóa ra trường để bà hỏi chàng xem có muốn lấy Mật thì bà đi hỏi cưới cho chàng ngay, bởi vì bà lo sợ rằng một đóa hoa đang thời khoe sắc thắm dễ bị ong bướm dập dìu, Mật làm sao tránh khỏi cảnh bị ‘‘dập liễu vùi hoa’’ thêm một lần nữa! Và ngay lúc này đây, bà Tư mới nhận ra Tùng, đứa con trai út của bà đã trưởng thành và đang đi lo việc nước non, còn việc ở nhà thì đã có Mật lo toan, bởi bà đã nhìn ra được nét đảm đang, thùy mị từ trong con người Mật phát tiết ra ngoài bằng những cử chỉ và hành động trong những lúc mà nàng quán xuyến công việc gia đình hằng ngày.
Ðố ai đem một cành ‘‘thiên hương quốc sắc’’ đến gạ đổi với đóa ‘‘hoa dại bên đường’’ mà bà Tư ưng chịu trao đổi, bởi vì nàng dâu Mật trong tương lai hình như có một thứ chất keo sơn vô hình nào đó dán dính chặt, nên sẽ chẳng thể nào vuột ra khỏi tầm tay của bà Tư được!…

NGUYÊN BÔNG