LÊNH ĐÊNH SÔNG NƯỚC

   Khi giật mình tỉnh giấc, Nguyễn Tượng chợt nhớ lại những sự việc đã xảy ra trong đêm qua mà lòng thì rộn lên một niềm vui sướng hơn bao giờ hết. Một sự thật đã rành rành ra đó mà chàng còn tưởng rằng mình vừa mới trải qua một giấc mộng vàng, giấc mơ của một kẻ ăn người ở bỗng nhiên lại được chung chăn gối cùng với đứa con gái cưng của ông chủ điền. Nguyễn Tượng xoay mình qua ôm hôn tới tấp trên mặt của người tình đầu đời đang nằm gối đầu lên cánh tay trái mình, tưởng chừng như đêm qua chàng bận mải mê đến ‘‘việc nọ’’ mà quên mất ‘‘việc kia’’, giờ nhớ lại nên phải ‘‘động thủ’’ ngay, sợ không còn có dịp nào khác nữa.

   Nguyễn Tượng bèn nhắm mắt lại, thả lỏng hồn mình cùng với năm ngón tay dài theo từng bước lãng du, phiêu bồng xuôi ngược trên tấm thân ngà ngọc của người con gái đang độ tuổi xuân thì vừa mới bước chân vào kiếp đàn bà chỉ mới trong đêm qua thôi.

   Nàng Lương Ngọc nằm yên giả chết! Nàng trân mình nhìn lên mặt nốp, lòng thầm khen chàng trai quê không biết ai dạy cho mà chỉ với một chút ngón nghề mọn, đã đưa nàng lên tận đỉnh non thần một cách có bài bản thật là tuyệt vời!

   Con trăng rằm mười sáu tròn vành vạnh như chiếc đĩa bạc đang lấp ló phía rặng cây nằm ven đôi bờ con sông Vàm Cỏ Ðông đang cuộn mình nằm say giấc ngủ êm đềm trong làn sương đêm mờ nhạt. Từ trong xóm, đàn chó nhà tranh nhau sủa gâu gâu vang dậy khắp nơi. Ðám dân quê cũng đã thức dậy và đang lục tục kéo nhau ra đồng.

   Nguyễn Tượng đang say mê cơn mơ tình ái, nào hay biết trời trăng mây nước ra sao ở quanh mình. Chàng đưa tay lần lên tìm chiếc dây lưng quần nơi bụng nàng Lương Ngọc, định ‘‘làm hỗn’’ thêm một lần nữa. Chợt có tiếng chim rừng thức giấc, ríu rít gọi đàn từ đâu ngoài phía khu rừng tràm thấp đưa lại làm cho chàng giật mình tỉnh hẳn ‘‘giấc mộng Kinh Kha’’ trước lúc lâm trận!

    Nguyễn Tượng vội chui ra khỏi nốp, lính quýnh nhảy xuống đất, hối hả giục nàng Lương Ngọc:

   – Cô chủ dậy mau, trời sáng rồi!

   Lương Ngọc đang dở sống dở chết trong vòng tay chàng thanh niên háo hức trong chuyện thương yêu lần đầu. Bỗng nhiên, nghe Nguyễn Tượng dừng tay lại và thoát nhanh ra ngoài nốp làm cho nàng bị hụt hẫng, cảm giác như bị ai đó chơi phá đám, đánh thức giấc mơ tiên của mình. Cùng lúc, bên tai vọng lại tiếng Nguyễn Tượng hối thúc, Lương Ngọc vội tỉnh giấc mơ hoa ngay.

   Đột nhiên, nàng bèn vùng ngồi dậy và cằn nhằn trong nỗi hốt hoảng:

   – Ði! Chạy mau, đến non nước này mà còn ở đó “cô chủ, cô chủ” hoài!

   Nguyễn Tượng tưởng Lương Ngọc hối mình đưa nàng trở về nhà, đâu còn tâm trí để hiểu cái vế sau của câu nói bóng gió về cái chuyện đã rồi của hai đứa, nên vội chạy đến nắm tay kéo nàng ra cửa. Chàng chỉ nghĩ có mỗi một điều là nếu để chậm trễ, lỡ như ông Chủ Lương đến bắt gặp nàng ở đây, chàng làm sao chịu thấu trận bề hội đồng của đám tráng đinh tay chân của ông. Còn Lương Ngọc, nàng không lo cha đánh đập mình, nhưng nàng sợ ông giữ nàng lại thì hỏng hết cái kế hoạch như đã dự tính trước khi nàng đến với Nguyễn Tượng đêm nay.

   Chợt nhớ đến hai giỏ đồ còn treo dưới mái nhà, Lương Ngọc bảo Nguyễn Tượng:

   – Mau trở vô xách hai chiếc giỏ lẹ lên kẻo chết cả đám bây giờ!

   Nguyễn Tượng quày quả trở vào nhà mà lòng thầm nghĩ không biết tại sao Lương Ngọc đã đem đến cho chàng hai chiếc giỏ đầy ấp thức ăn kia giờ nàng đòi phải xách về. Khi chàng trở ra, một bị đeo trên vai, còn bị kia xách ở tay, cứ thế mà chạy vọt ra phía đầu bờ thửa dẫn về trong xóm.

   Thấy vậy, Lương Ngọc vội gọi vói theo:

   – Anh Tượng chạy đi đâu vậy? Trở lại mau, đi đàng này đây này!

   Nguyễn Tượng quay lại, thấy Lương Ngọc đang bước vội vã trên lối mòn nhỏ ngược về phía rặng cây nằm ven bờ con sông Vàm Cỏ Ðông còn đang đắm mình trong làn sương sớm.

   Và bởi quá lo sợ, Nguyễn Tượng đâu còn thì giờ để tìm hiểu tại

sao lại phải đi về phía ấy, bèn hấp tấp chạy theo nàng…

   Mặt trời đã lên cao hơn hai cây sào rồi mà Nguyễn Tượng vẫn còn đứng sau lái ghe, cắm cúi đẩy đưa mái chèo nhịp nhàng theo từng nhịp thở dồn dập. Chiếc ghe nương theo một mé nước của con sông, nhờ vào sức gió và con nước đang lớn nên lướt nhanh về phía thượng nguồn. Một đàn cò trắng vỗ cánh bay lên từ một ngọn cây cao to, đang nhấp nhô cánh hồng trong ánh nắng ấm buổi ban mai.

   Nguyễn Tượng dừng tay chèo, ngó ngoái lại phía sau, thấy đã bỏ xa nơi khởi hành khoảng năm bảy cây số rồi. Lòng chàng bùi ngùi khi phải rời xa quãng sông quen thuộc này. Chàng nhớ từng khúc quanh với những ụ bãi lục bình xanh mướt quanh năm trổ đầy hoa tím, nơi lý tưởng nhất mà chàng đã từng giăng lưới, cắm câu bắt cá ở quanh bờ. Mấy bãi đất thấp cho chàng những nắm rau mướp non mềm. Từng gốc lá ve, cây cóc, cây vừng,… mọc nghiêng ra mé nước mà chàng thường đến đó hái lá để ăn, mà người trong vùng gọi là rau sông. Nguyễn Tượng ngoái cổ trông về phía sau lưng mình. Chàng cảm thấy lòng mình bùi ngùi, xót xa trong nỗi luyến tiếc khung trời đã từng gắn bó với chàng trong cảnh nghèo túng mấy năm qua!

   Chợt có tiếng lục đục từ trong khoang ghe và tiếp theo là tiếng của Lương Ngọc vọng ra:

   – Dừng lại đâu đó để nấu cơm đi mình!

   Nghe nói đến cơm nước, Nguyễn Tượng cảm thấy cơn đói bụng đang cồn cào ở trong ruột.

   Nhưng trong lòng chàng vẫn còn âm ấp nỗi lo sợ việc ông Chủ Lương sai đám bạn nhậu chạy theo bắt lại nên nói:

   – Ðể tui rán chèo thêm một đỗi nữa!

   Lương Ngọc đã ra đứng trước mũi ghe, đưa tầm mắt nhìn về phía rặng cây xanh nơi bờ sông. Tứ bề yên lặng. Chỉ nghe có tiếng cọt kẹt của dây cột mái chèo khua lên đều đều, tưởng chừng như đó là mấy cung điệu đàn cò ai oán mà ai đó gởi chút tâm sự não lòng của mình theo từng cơn gió thoảng lan xa trên khúc sông rộng. Tiếng nước vỗ róc rách vào hai bên mạn trước mũi ghe, nghe êm êm như tiếng suối nước reo thì thầm tự đỉnh non xa vọng lại. Bỗng nhiên, tiếng chim chóc ríu rít gọi đàn từ đâu đó nơi phía rặng cây xanh nơi bờ sông đưa lại, tạo cho nàng một cảm giác vui lạ, thích thú. Nhưng những thứ âm thanh đó đã trở nên quen thuộc đối với Nguyễn Tượng từ thuở còn bé thơ đã từng ba chìm bảy nổi trên sông nước, nên chẳng thể nào làm cho chàng tạm quên đi bao nỗi lo âu, hoảng sợ trong lòng.

   Lương Ngọc đọc được cái tâm trạng thiếu tự tin vào hoàn cảnh hiện tại trên nét mặt không được vui của người yêu, nàng nói như để trấn an chàng:

   – Họ đâu có ngờ mình như thế này đâu để chuẩn bị ghe xuồng sẵn mà rượt theo. Biết đi ngã nào mà rượt đuổi? Còn chạy bộ dọc theo bờ sông hả, cho dù tụi nó có đang ở ngang với mình trên bờ sông kia, cũng không thể nhìn xuyên qua đám lá cây rừng mọc chen nhau chằng chịt mà nhìn thấy mình được.

   Nghe Lương Ngọc lý luận như vậy, Nguyễn Tượng mới an tâm mà ngưng tay chèo. Chàng khom lưng múc đổ vài gàu tre nước sông vào chiếc lu sành nhỏ đặt cạnh bên ngoài cửa ra vào nơi vách sau của khoang ghe và cầm cục phèn chua khoa vào đó mấy vòng để lóng cặn bã cho nước thêm trong, đoạn đứng lên vung nghiêng mấy vòng tay chèo nữa, chiếc ghe nhỏ lướt rẽ chầm chậm về phía khoảng đất trống nằm trên bờ sông.

   Nguyễn Tượng bước lên bờ, vừa định lủi vào rừng tìm mớ củi khô, đã nghe Lương Ngọc nói vói theo:

   – Chừng một ôm đủ nấu thôi!

   Từ ngày vào ở đợ để trừ nợ, Nguyễn Tượng đã quen tai với lối nói như ra lệnh của cha con ông Chủ Lương. Nghĩ cho cùng thì ở thời buổi này, những người có quyền bính trong tay và những kẻ giàu sang có bề thế làm ăn lớn lao, ai cũng đều như vậy cả. Nguyễn Tượng vốn là dân quê mùa, chất phác lại thất học.

   Từ thuở còn nhỏ cho đến bây giờ, chàng chỉ lo làm ăn chân lấm tay bùn, đâu biết lễ nghi giữa người giàu và kẻ nghèo nó ra làm sao, nên khi nghe Lương Ngọc nói trống không như vậy, chàng tưởng rằng nàng quan tâm đến mình nên càng thương nàng hơn. Chàng hiểu là từ đây nàng là vợ của mình rồi thì mọi việc chợ búa, bếp núc, vá may,… đều do nàng lo liệu hết, giống như trước đây mẹ chàng đã quán xuyến mọi việc trong gia đình vậy. Chàng chỉ biết có mỗi một việc là kể từ hôm nay, chàng phải gánh vác hết mọi công việc làm ăn cực nhọc ở bên ngoài, để lúc đêm về ôm vợ mà ngủ như chết, giống như cha chàng đã từng làm ngày trước là được rồi.

    Về phần nàng Lương Ngọc, nàng nghĩ là mình đang bắt đầu cái công việc của một người nội trợ đây. Nàng đang ngồi vo gạo để nấu cơm trước mũi ghe mà mắt vẫn lướt theo tấm lưng thớt của chàng tá điền lực lưỡng đến lúc nó mất hút vào bìa rừng mới thôi. Lòng ao ước được làm vợ chàng bấy lâu nay, nàng thấy đã mãn nguyện rồi. Nàng nghĩ, trong đám thanh niên làm việc cho cha mình, chỉ có chàng Nguyễn Tượng là xứng đáng cho nàng trao thân gởi phận hơn ai hết. Tuy mồ côi mẹ từ thuở chưa biết gì là tình mẫu tử, nhưng lúc lớn lên, Lương Ngọc có cái suy nghĩ của riêng mình. Nàng rất trân quý sự nâng niu chiều chuộng của người cha trong cảnh ‘‘gà trống nuôi con’’. Nhưng nàng lại không thích cái lối sống kẻ cả vung tay của người trên, lại không rộng rãi với kẻ dưới của cha mình. Sinh con, không sinh lòng là vậy!

   Lúc còn nhỏ, nàng chỉ học đến lớp sơ đẳng ở trường làng. Thấy Lương Ngọc biết đọc và biết viết được trôi chảy, ông Chủ Lương bắt nàng thôi học để giúp ông coi sóc trong ngoài. Tuy ít học nhưng với bản tính thông minh trời phú, chẳng bao lâu nàng đã thạo việc sổ sách của cha giao. Nàng thường để ý thấy trong đám tá điền kề cận với cha mình có đứa làm ít, báo công nhiều. Trái lại, đối với Nguyễn Tượng, đôi khi nàng vờ tính sai chút ít, để rồi sau đó nàng bù đấp lại, chàng cũng chẳng biết để so đo thiệt hơn. Nghĩ tới đây, Lương Ngọc thấy vui trong bụng và nàng cảm thấy an tâm hơn khi đã có quyết định là trốn cha mình, cuốn gói đi theo một kẻ ở đợ như chàng Nguyễn Tượng.

   Cảnh sống nghèo nàn, túng trước hụt sau trước đây của Nguyễn Tượng, nếu đem so sánh với nếp sống quần lụa áo là của Lương Ngọc, xem ra như thể đôi đũa lệch, trở đầu nào cũng so le, khó mà đồng điệu trong mọi sinh hoạt gia đình. Bây giờ, đôi vợ chồng trẻ chỉ mới bắt đầu cuộc sống chung với nhau chưa đầy một ngày, nhưng xem ra rất là tương đắc.

   Chiếc ghe tuy nhỏ, chỉ là một chiếc xuồng dùng để hành nghề cá trên sông rạch, nhưng Nguyễn Tượng cũng đã làm mui bằng khung tre, bên trên lợp bằng mấy lớp lá dừa để che mưa che nắng. Bây giờ nó như là một mái nhà nhỏ ấm cúng rồi, đâu cần chi phải có một căn nhà sang trọng di động trên mặt nước mới xứng đáng với tấm lòng mà Lương Ngọc đã dành cho chàng.

   Nguyễn Tượng vừa khom lưng lượm bẻ củi khô vừa liên tưởng đến những công việc gì cần phải làm hằng ngày để sắp đặt sẵn trong đầu mình, cứ thế mà theo.

   Ban ngày, chàng canh chừng, hễ nước bắt đầu lớn là lo nhổ sào, chèo ghe dần lên phía thượng nguồn. Những lúc như vậy, nàng Lương Ngọc khôn ngoan lánh mặt vào trong khoang để né tránh những cặp mắt dòm ngó, chọc ghẹo của khách thương hồ và phường trộm cắp cướp giựt. Lúc nước sắp ròng, Nguyễn Tượng tìm một nơi nào đó an toàn, nhìn trước ngó sau không thấy có ghe thuyền nào ở phía hai đầu trên khúc sông, chàng bèn cho ghe lủi nhanh vào một bụi rậm quen thuộc nào đó ve ra mí nước, cắm sào lo cơm nước và nghỉ ngơi.

   Ban đêm, đợi cho Lương Ngọc chui vào nốp xong, chàng mới an tâm thả lưới giăng câu quanh quẩn nơi chỗ ghe đậu. Chiếc lưỡi mác được chàng mài bén ngót, bỏ vào chiếc vỏ bao bằng mo cau khô luôn có bên mình như một vật quý hiếm bất ly thân, vừa để thủ thân vừa để bảo vệ cho người yêu.

   Trước đây, câu nói ‘‘buôn tàu, buôn bè không bằng ăn dè hà tiện’’ của cha được Nguyễn Tượng đem ra làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình. Bây giờ có Lương Ngọc, Nguyễn Tượng nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa mới đủ lo cho vợ và đàn con sau này. Kể từ hôm nay, mỗi lần gỡ được con cá nào từ trong lưới hay từ chiếc lưỡi câu ra, Nguyễn Tượng phải lựa những con cá lớn để nuôi giữ ở dưới khoang ghe, chờ dịp ghé bến đem lên chợ bán lấy tiền đong gạo muối và các thứ nhu yếu phẩm khác đem về tích trữ trong ghe.

   Ðôi khách giang hồ cứ sống lênh đênh trên sông nước êm đềm như vậy theo từng cơn nước lớn ròng thì trời đâu phụ kẻ một lòng một dạ chí thú lo làm ăn…


   Nguyễn Tượng vung tay chèo mạnh hơn một chút, nhưng chiếc ghe vẫn không lướt nhanh như ý chàng muốn. Ngoài phía giữa dòng sông, mấy cụm lục bình xanh um ngoi lên mấy cụm hoa màu tím nhạt, hình như đang dừng yên tại chỗ giữa khúc sông rộng phản chiếu lấp lánh muôn ánh bạc tà dương xuống mặt nước mênh mông. Biết con nước sẽ đổi dòng chảy về phía hạ nguồn, Nguyễn Tượng cho ghe hướng về một bụi rậm ven bờ.

   Vừa lú mình qua khỏi lùm cây, một cảnh tượng quá lý tưởng cho những khách giang hồ trên sông neo ghe qua đêm hiện ra trước mặt chàng. Một vùng nước rộng khoảng hơn hai mươi thước ngang nằm giữa một vòng tròn cây cối rậm rạp bao bọc ở xung quanh.

   Chàng gọi vào bên trong khoang ghe:

   – Mình ơi! Ra mà coi đây nè!

   Lương Ngọc đang xếp gọn lại mớ quần áo vất vung vãi trong khoang, vừa nghe tiếng mui ghe lướt sột soạt dưới tàn lá, lại nghe có tiếng chồng gọi nên nàng ngưng tay và nghiêng mình ngó ra phía trước. Nàng vui mừng khi thấy mặt nước sông trong như đang mời gọi nàng nhảy xuống đó để tắm cho thỏa thích.

   Nàng nói với Nguyễn Tượng đang ngồi cột chiếc dây buộc ghe vào chiếc sào cắm thẳng đứng xuống mặt nước:

   – Chờ tui một chút!

   – Chờ cái gì nữa, mau đến đây tắm với tui kẻo nước ròng sát quá, nước đục lắm!

   Và đôi vợ chồng trẻ âu yếm kì cọ cho nhau trong làn nước sông trong giữa một vòng cây xanh mát vây quanh, dưới vòm trời chiều nhỏ hẹp rất là thơ mộng với mấy lọn mây trắng ửng hồng lờ lững trôi ngang ở trên đầu.

   Ngày xưa, thật xa xưa, ông bà thủy tổ của loài người chắc cũng đã từng tắm bên nhau như vậy mà chẳng cần phải bận tâm lo sợ có kẻ lén nhìn trộm mình…

   (Trích trong “Bên Dòng Rạch Nhỏ”, Truyện dài Nguyên Bông).